Quản lí mạng xã hội của Trung Quốc và bài học với Việt Nam In
Giới thiệu chung
Thứ sáu, 22 Tháng 4 2011 03:53
Mạng xã hội là loại hình dịch vụ kết nối các thành viên có chung sở thích hoạt động trên nền In-tơ-nét. Người sử dụng có thể giao lưu, chia sẻ thông tin, không bị giới hạn về địa lí và thời gian, tạo lập mối quan hệ, thúc đẩy sự liên kết giữa các cá nhân và tổ chức xã hội.

Mạng xã hội xuất hiện vào năm 1995, với sự ra đời của trang Classmate mục đích kết nối bạn học. Tiếp theo là sự xuất hiện của SixDegrees vào năm 1997 với mục đích giao lưu kết bạn dựa theo sở thích. Cho đến nay, đã có số lượng mạng xã hội khổng lồ, thu hút người tham gia khổng lồ. Sau sự kiện ở Bắc Phi và Trung Đông, mạng xã hội đã thể hiện rõ mặt tích cực và tiêu cực của loại hình dịch vụ này. Kinh nghiệm quản lí mạng xã hội của Trung Quốc được các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách xã hội quan tâm.

Ban hành các đạo luật

Trung Quốc là một trong những quốc gia có các biện pháp quản lí In-tơ-nét nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Nhưng In-tơ-nét càng phát triển thì sự quan ngại về an ninh càng tăng. Vì vậy, chính quyền đã ban hành các luật về In-tơ-nét, các bộ lọc công nghệ, cảnh sát mạng, yêu cầu các công ty cung cấp In-tơ-nét tự loại bỏ những nội dung độc hại trên mạng của mình. Cơ quan tuyên truyền của Trung Quốc cũng tự đưa ra những nội dung hấp dẫn để chiếm lĩnh không gian mạng, các biện pháp quản lí thông dụng như đăng kí tên thật, kiểm tra những hành vi không phù hợp với văn hoá mạng, cưỡng chế đối với những người sử dụng In-tơ-nét vi phạm luật pháp… Trung Quốc đã ban hành 3 đạo luật về sử dụng In-tơ-nét:

1. Quy chế tạm thời về việc quản lí thông tin mạng máy tính kết nối quốc tế. Trong đó quy định "Không một đơn vị hoặc cá nhân nào được phép tự tạo ra những kết nối quốc tế trực tiếp. Tất cả những kết nối trực tiếp với In-tơ-nét phải thông qua 4 nhà cung cấp mạng chính của Trung Quốc là: ChinaNet, GBNet, CERNET, CTSNET".

2. Pháp lệnh về Bảo vệ an ninh của các hệ thống thông tin máy tính, trong đó quy định việc "giám sát, kiểm tra và hướng dẫn công tác bảo vệ an ninh" và "điều tra và truy tố các trường hợp phạm pháp".

3. Pháp lệnh quy định, trong đó định nghĩa "thông tin độc hại" và chỉ ra 5 loại hoạt động có hại liên quan đến việc sử dụng In-tơ-nét.

Xác định cấp độ quản lí: Quản lí In-tơ-nét với 3 cấp độ.

Một là, quản lí các mạng chủ và các nhà cung cấp dịch vụ mạng: Một trong những kế hoạch quan trọng quản lí các mạng chủ và các nhà cung cấp dịch vụ mạng là "Dự án Trường thành lửa", được Bộ Công an Trung Quốc khởi xướng vào năm 1998 đưa vào sử dụng tháng 11-2003. Hệ thống này hoạt động dựa trên một số nguyên tắc cơ bản như khóa địa chỉ IP, lọc và dẫn đến một tên miền mới, lọc URL, lọc gói tin và xác lập lại kết nối. Green Dam Youth Escort là phần mềm kiểm soát nội dung dùng cho Hệ điều hành Windows được Chính phủ Trung Quốc phát triển. Ban đầu Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin quy định bắt buộc mỗi máy tính cá nhân được bán ra ở Trung Quốc, bao gồm cả các máy được nhập khẩu từ nước ngoài phải có các phầm mềm đã cài đặt sẵn hoặc có các tập tin cài đặt trên một đĩa CD đi kèm. Sau đó, chỉ thị này đã thay đổi để thực hiện một cách tự nguyện.

Hai là, quản lí các nhà cung cấp nội dung In-tơ-nét: Đầu tiên, Trung Quốc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ In-tơ-nét phải có trách nhiệm ngăn chặn người sử dụng tiếp cận với các thông tin chính trị nhạy cảm. Bước tiếp theo là ngăn chặn các nhà cung cấp dịch vụ - đa số là các nhà cung cấp nội địa, một vài trong số đó là những doanh nghiệp có đầu tư của nước ngoài - lưu trữ những nội dung chính trị nhạy cảm. Bước thứ ba hướng đến các nhà cung cấp nội dung In-tơ-nét với mục đích thương mại hoặc phi thương mại.

Ba là, quản lí thư điện tử và các mạng xã hội: Cũng như ở hầu hết các quốc gia khác, các dịch vụ thư điện tử được lưu trữ trên máy chủ bên trong Trung Quốc nhằm đáp ứng yêu cầu của cơ quan hành pháp về thông tin người dùng và bản sao các thông tin được liên lạc bằng thư điện tử. Điện thoạt di động và các dịch vụ chat trên In-tơ-nét cũng được yêu cầu lọc các nội dung nhạy cảm về chính trị…

Mạng xã hội ở Việt Nam

Tại Việt Nam cũng xuất hiện nhiều mạng xã hội khác nhau như ZingMe, GoOnline, Yume, Tamtay, CyberWorld, Go.vn, AZU.vn và Banbe.net. Các mạng xã hội "nội địa" chủ yếu hoạt động theo mô hình của các mạng xã hội thế hệ đầu tiên (như mô hình của Y!360) với xu hướng chính là tự tạo nội dung (chia sẻ ảnh, video, viết blog). Tuy nhiên, Facebook với xu hướng chính là tương tác, liên kết giữa người dùng với nhau trong các mối quan hệ bạn bè đã nhanh chóng có những thành công nhất định. Dẫn đầu là các mạng ZingMe, GoOnline.

Những ưu điểm mà mạng xã hội đem lại là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tồn tại rất nhiều tiêu cực. Nghiêm trọng là sự phát triển của công nghệ thông tin khiến In-tơ-nét nói chung và mạng xã hội nói riêng vô tình trở thành một công cụ đắc lực góp phần làm nảy sinh và phát triển các nguy cơ đối với an ninh, chính trị - xã hội.

Để quản lí có hiệu quả, loại trừ những nguy cơ mà mạng xã hội có thể mang lại, các nước trên thế giới đều có những biện pháp kiểm soát khác nhau nhưng đều có mục đích chung là hạn chế tối đa nguy cơ từ mạng xã hội đồng thời vẫn bảo đảm phát triển cho các mạng này. Hi vọng những kinh nghiệm quản lí của Trung Quốc là bài học tham khảo đối với nước ta.

Theo nguoicaotuoi.org


Newer news items:
Older news items: