"Phải lựa chọn đặc biệt cẩn thận những cán bộ tốt" In
Giới thiệu chung
Thứ năm, 21 Tháng 4 2011 17:41

Ngày 22-4-1870, V.I.Lê-nin được sinh ra, để rồi trở thành lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và những người bị áp bức trên thế giới. Trong quá trình hoạt động lý luận và thực tiễn của mình, Người đã để lại di sản vô cùng quý báu cho nhân loại tiến bộ. Người đã bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác trong điều kiện lịch sử mới; hiện thực hóa những tư tưởng cơ bản của C.Mác, Ph.Ăng-ghen trong thực tiễn cách mạng; tổ chức lãnh đạo thắng lợi cuộc cách mạng vô sản đầu tiên, mở ra thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Điều đó đã làm cho tên tuổi của V.I.Lê-nin gắn với tên tuổi của C.Mác và Ph.Ăng-ghen, chủ nghĩa Lê-nin gắn với chủ nghĩa Mác và trở thành chủ nghĩa Mác – Lê-nin, hệ tư tưởng cách mạng của giai cấp công nhân.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng toàn diện, sâu sắc, triệt để, khó khăn và lâu dài nhất trong lịch sử. Tính chất, đặc điểm đó của cách mạng xã hội chủ nghĩa đã khơi nguồn, đòi hỏi, tạo điều kiện và thúc đẩy sự sáng tạo to lớn của V.I.Lê-nin trong hoạt động lý luận và hoạt động thực tiễn. Những khó khăn mới, sự phức tạp mới của công cuộc quản lý và tổ chức xây dựng chế độ xã hội mới đã đặt ra cho Người phải chú tâm đặc biệt đến vấn đề “nhân liệu”, vấn đề cán bộ của chế độ mới.

Sau Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười, V.I.Lê-nin đã dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề củng cố chính quyền Xô-viết, xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, thực hiện chức năng quản lý và tổ chức xây dựng xã hội mới. Người nhấn mạnh phải xây dựng những “nhân liệu”, những con người của bộ máy Nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự gương mẫu “Sống trong lòng quần chúng. Biết tâm trạng quần chúng. Biết tất cả. Hiểu quần chúng. Biết đến với quần chúng. Giành được lòng tin tuyệt đối của quần chúng”. Theo V.I.Lê-nin, người cán bộ của chính quyền mới phải là người có đầy đủ phẩm chất, năng lực, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, có năng lực phục vụ nhân dân, có tâm huyết và trình độ đem lại cuộc sống tốt đẹp cho quần chúng nhân dân.

Vì thế, V.I.Lê-nin rất quan tâm đến việc lựa chọn cán bộ cho chế độ mới. Người yêu cầu: "Chúng ta phải lựa chọn đặc biệt cẩn thận những cán bộ tốt" và nhấn mạnh: "Chỉ có làm cho bộ máy của chúng ta trong sạch đến tột mức, chỉ có giảm bớt đến mức tối đa tất cả những cái tuyệt đối không cần thiết, chúng ta mới có thể đứng vững được". V.I.Lê-nin đòi hỏi phải tìm cho ra "những người có tài...những người vừa trung thành với chủ nghĩa xã hội lại vừa có năng lực"; phải kiên quyết đấu tranh “không khoan nhượng” với tệ quan liêu, tham nhũng “chống hiện tượng không dứt khoát, không rành mạch về nhiệm vụ được giao cho mỗi người, và chống tình trạng hoàn toàn vô trách nhiệm do hiện tượng đó gây ra”.

Triết lý sâu sắc trong giáo huấn của V.I.Lê-nin ở đây chỉ ra rằng, không lựa chọn "đặc biệt cẩn thận những cán bộ tốt", thì không có được những cán bộ "vừa trung thành với chủ nghĩa xã hội lại vừa có năng lực", và do đó, đội ngũ cán bộ không thể đủ sức hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn và mới mẻ trong giai đoạn cách mạng mới. Nếu để những người bất tài, kém năng lực, không đủ phẩm chất "chui lọt" vào các cơ quan nhà nước thì sẽ là điều nguy hại cho cách mạng. Những tư tưởng của V.I.Lê-nin về lựa chọn cán bộ là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng, vẫn giữ nguyên giá trị và nóng hổi tính thời sự đối với chúng ta trong lựa chọn và xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Hiện nay, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta "chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới của đất nước" - như Đại hội XI của Đảng đánh giá. Điều đó có một nguyên nhân quan trọng là do chúng ta chưa làm tốt việc lựa chọn cán bộ, chưa "lựa chọn đặc biệt cẩn thận những cán bộ tốt". Lựa chọn cán bộ là khâu rất cơ bản để có thể có được đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Trong những ngày này, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực chuẩn bị cho kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp, tư tưởng của V.I.Lê-nin về người cán bộ cách mạng cần phải được nhận thức đầy đủ và quán triệt sâu sắc trong quá trình giới thiệu, lựa chọn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Trong quá trình giới thiệu, lựa chọn, bầu cử, không vì bất cứ một lý do nào mà để những người không xứng đáng, không trung thành, không đủ đức, đủ tài, không được nhân dân tín nhiệm vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Mọi biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, kéo bè, kéo cánh, bè phái… cần phải được ngăn chặn kịp thời ngay khi giới thiệu đại biểu. Mọi sự sai lầm, thiếu "cẩn thận", để cho tình trạng "chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp", “nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui vào lọt…” trong quá trình lựa chọn và bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, thì chúng ta không những không thể có được đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, mà điều đó còn gây nên những hậu quả rất tiêu cực cho sự nghiệp đổi mới đất nước của nhân dân ta.

Muốn lựa chọn "cẩn thận những cán bộ tốt", phải thực hiện "cơ chế, chính sách cụ thể để thực sự phát huy dân chủ trong công tác cán bộ, phát hiện và sử dụng người tài", để quần chúng nhân dân có thể hiểu được những ưu điểm, nhược điểm, hạn chế, nắm được đức và tài của những người mà mình sẽ lựa chọn bầu làm đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Không thực hiện tốt cơ chế đó, thì việc lựa chọn của chúng ta không thể đạt được yêu cầu mong muốn, không có được những “cán bộ tốt” như V.I.Lê-nin đã dạy.

Lựa chọn, bầu cử, xây dựng đội ngũ cán bộ cần phải quán triệt quan điểm: Quyền lực của cán bộ thực chất là quyền lực của giai cấp công nhân và nhân dân lao động; nhân dân trao cho cán bộ sử dụng quyền lực nhà nước để quản lý, tổ chức xây dựng xã hội mới, phục vụ nhân dân. Nếu cán bộ không đủ đức, đủ tài, không "tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân", lãnh đạm, bàng quan, thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước tâm tư, tình cảm, cuộc sống và quyền lợi của nhân dân, thì không thể hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, đó tuyệt nhiên không phải là "cán bộ tốt". Chúng ta cần kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng; tạo bước chuyển biến rõ rệt về xây dựng Đảng; xây dựng Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, công chức thực sự đủ đức đủ tài, có kỷ cương, liêm chính. Không bố trí vào chức vụ lãnh đạo và không giới thiệu tái cử những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở những nơi phong trào kém, kinh tế phát triển chậm, trì trệ, mất ổn định, mất đoàn kết, không được quần chúng tín nhiệm.

Yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đòi hỏi chúng ta phải xây dựng được đội ngũ cán bộ xứng tầm. Nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt này đặt ra cho chúng ta phải thực hiện thật kiên quyết và tốt ngay từ khâu lựa chọn cán bộ, "phải lựa chọn đặc biệt cẩn thận những cán bộ tốt" như V.I.Lê-nin đã từng giáo huấn. Có như thế, chúng ta mới mong có được đội ngũ cán bộ "vừa trung thành với chủ nghĩa xã hội lại vừa có năng lực", đủ sức hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới.(Theo qdnd.vn)

PGS, TS Nguyễn Mạnh Hưởng


Newer news items:
Older news items: