Đào tạo đại học theo chương trình tiên tiến đạt kết quả bước đầu In
Giới thiệu chung
Thứ ba, 05 Tháng 4 2011 11:36
Ngày 5/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn công tác Chính phủ đã đến khảo sát và lắng nghe ý kiến của các sinh viên, giảng viên tham gia chương trình giảng dạy tiên tiến ngành CNTT tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP Hồ Chí Minh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói chuyện với các sinh viên năm thứ 2 tham gia chương trình tiên tiến. Ảnh: Chinhphu.vn

Trong lộ trình của Đề án “Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học của Việt Nam giai đoạn 2008-2015” được Chính phủ phê duyệt, Bộ GDĐT đã có bước đi đầu tiên nhằm thực hiện nhiệm vụ tiếp thu có chọn lọc, đào tạo thí điểm một số chương trình và giáo trình tiên tiến đang giảng dạy ở các trường đại học nước ngoài phù hợp yêu cầu phát triển của Việt Nam.

Theo đó, sau 4 năm triển khai, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh là một trong những cơ sở đào tạo dẫn đầu cả nước triển khai thực hiện tốt nhất các yêu cầu của chương trình tiên tiến.

Thứ trưởng Bộ GDĐT, ông Bùi Văn Ga cho rằng, với mục tiêu cao nhất của chương trình là các sinh viên phải đạt được các tiêu chuẩn về học tập và nghiên cứu với chất lượng quốc tế. Sau 5 năm triển khai chương trình, các yêu cầu cao nhất theo thiết kế ban đầu đã đạt những kết quả mong muốn.

Cụ thể là việc tổ chức giảng dạy khá tốt, việc chuẩn bị trang thiết bị, tài liệu học tập, tham khảo, phòng thí nghiệm đầy đủ và phục vụ tốt nhu cầu học tập, giảng dạy của chương trình. Đội ngũ giảng viên có trình độ cao, phương pháp giảng dạy hiện đại đáp ứng được yêu cầu đúng như mô hình ở nước ngoài. Sinh viên sử dụng tiếng Anh chủ động, có ý thức rõ ràng về chương trình tiên tiến, tự tin và phát huy tối đa khả năng sáng tạo của từng cá nhân.

Bên cạnh một số kết quả ban đầu đáng khích lệ, Bộ GDĐT cho rằng việc mời giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy chưong trình tiên tiến còn gặp nhiều khó khăn vì lý do tài chính. Công tác tuyển sinh của một số ngành, nhất là các ngành kỹ thuật, công nghệ còn nhiều bất cập do công tác tuyên truyền, quảng bá còn hạn chế. Chưa có cơ chế khuyến khích giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học và các trường được giao nhiệm vụ đào tạo chương trình tiên tiến chưa có sự gắn kết với nhau, thiếu sự hỗ trợ nhau trong giáo trình, tài liệu tham khảo để cùng phát triển.

Bộ GDĐT kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai mở rộng Đề án theo hướng tăng thêm số lượng chương trình tiên tiến trình độ đại học; triển khai đào tạo chương trình tiên tiến ở trình độ thạc sĩ; phát huy hiệu quả của chương trình này sang chương trình đại trà để tạo điều kiện phát triển một số khoa của một số trường đại học đạt chuẩn khu vực và quốc tế.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với các sinh viên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP HCM. Ảnh: Chinhphu.vn

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần có nhiều hơn nữa học bổng đối với các sinh viên tham gia chương trình tiên tiến, đồng thời khuyến khích sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở về giảng dạy tại các trường đại học; đồng thời phân nhóm và có những giải pháp đối với từng nhóm trường tham gia chương trình tiên tiến, từ đó xác định xu hướng phát triển đối với từng nhóm sinh viên tham gia chương trình tiên tiến khi ra trường. Bộ GDĐT cần sớm sơ kết cơ chế tài chính và hiệu quả lan tỏa của chương trình tiên tiến trong 5 năm qua.

Phó Thủ tướng  đề nghị các Bộ, ngành cần sớm nghiên cứu cơ chế tài chính, cụ thể là phối hợp với các ngân hàng tạo ra nguồn tín dụng ưu đãi đối với các sinh viên tham gia chương trình tiên tiến.

Cũng trong buổi làm việc với Đại học khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đoàn công tác Chính phủ đã dự 1 tiết học môn “System Programming – 11G” của các em sinh viên năm thứ 2 đang theo học chương trình tiên tiến.(Theo chinhphu.vn)

Ngày 15/10/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1505/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “ Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học của Việt Nam giai đoạn 2008-2015”.

Theo đó, cả nước đã có 23 trường đại học hợp tác với 22 trường đại học lớn trên thế giới (hầu hết các đối tác này được xếp hạng trong Top 200 thế giới), để triển khai 35 chương trình tiên tiến.

Trong số này có 20 chương trình thuộc khối ngành kỹ thuật, công nghệ; 5 chương trình thuộc khối kinh tế, 1 chương trình thuộc nhóm khoa học sức khỏe, 6 chương trình thuộc khối khoa học tự nhiên và môi trường, 3 chương trình thuộc khối nông nghiệp với sự tham gia của trên 1.000 sinh viên trên cả nước. Việc giảng dạy thực hiện bằng tiếng Anh.

Tính đến năm 2011, nhà nước đã cấp 860 tỷ đồng cho 3 khóa đào tạo theo chương trình này.


Newer news items:
Older news items: