Dư luận Trung Quốc về Biển Đông In
Giới thiệu chung
Thứ bảy, 16 Tháng 7 2011 02:48
Dư luận Trung Quốc tiếp tục đưa các tranh luận và phân tích về tình hình liên quan đến Biển Đông.

Sau khi phái cứng rắn (tướng lĩnh quân đội) tung ra những tuyên bố  hiếu chiến, nội bộ Trung Quốc bộc lộ những quan điểm khác nhau về cách thức giải quyết vấn  đề Biển Đông.

Quan điểm lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cho thấy thống nhất không khai chiến 

Theo ông Su Hao, Giám  đốc Trung tâm Nghiên cứu Thái Bình Dương thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc, đối thoại song phương như đã diễn ra giữa Việt Nam và Trung Quốc gần đây có thể được coi là hình mẫu để giải quyết những tranh chấp tương tự. “Trao đổi thông tin cấp cao góp phần giảm thiểu những hiểu lầm và ổn định tình hình để phục vụ lợi ích cơ bản của tất cả các bên. Đây là mô hình tốt có thể áp dụng trong giải quyết các tranh chấp tương tự”. 

Nhật báo Trung Quốc  ngày 6/7 có bài nhan đề: “Đàm phán quan trọng về Biển Đông vào tháng 7”. Hai tác giả Qin Zhongwei và Cui Haipei và Wu Jiao cho rằng: Với những tranh chấp tại Biển Đông đang bùng phát trong những tuần gần đây, tháng 7 có thể là tháng quan trọng cho các cuộc thảo luận về vấn đề này. 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình gần đây, thiếu tướng hải quân Trung Quốc Yin Zhuo, đã nêu lại kết quả thăm dò của Liên hợp quốc cho thấy giá trị dầu và khí ga tự nhiên tại Biển Đông tương đương 20.000 tỷ USD.

 

Trung Quốc tăng cường sức mạnh hải quân tại Biển Đông

Theo ông Chu Hạo, nhà  nghiên cứu thuộc Viện quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, “Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh và sự thật là giá dầu đang tăng nhanh khiến các nước ngày càng sốt ruột và họ  sẽ không có cơ hội để tuyên bố  quyền lợi nếu họ không nắm được cơ hội cuối cùng này”. 

Báo Thái Dương (HK), ngày 7/7, phân tích rằng tình hình tranh chấp Biển Đông vẫn có xu hướng căng thẳng, do lợi ích to lớn của Biển Đông nên các nước liên quan đều giữ thái độ và lập trường cứng rắn trong vấn đề này. Tuy nhiên, xét từ nhiều góc độ, tranh chấp Biển Đông sẽ không dẫn đến chiến tranh. Cựu Thứ Trưởng Ngoại giao Trung Quốc Ngô Kiến Dân từng nhấn mạnh rằng Trung Quốc không nên hễ động đến lợi ích cốt lõi là “đánh đánh, giết giết”, kiên quyết phản đối Trung Quốc diễu võ dương oai ở Biển Đông, việc làm này chỉ khiến có thêm nhiều người nguyền rủa, thậm chí căm hận Trung Quốc. Về việc Trung Quốc khai chiến ở Biển Đông, khả năng Trung Quốc khai chiến gần đây có chiều hướng tăng, nhưng về tổng thể vẫn không đánh nhau. 

Theo Thái Dương, Ngô Kiến Dân có thể không còn đại diện cho Bộ Ngoại giao Trung Quốc, song quan điểm của ông có thể vẫn phản ánh quan điểm chung của hệ thống ngoại giao nước này. Mặc dù phía quân đội có quan điểm của phái cứng rắn, song các quan điểm này không giữ vị trí chủ đạo. Quan trọng nhất là thái độ của tầng lớp lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cho thấy thống nhất không khai chiến.

Tướng Trung Quốc không muốn vấn đề trở nên phức tạp 

 

Báo Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc đưa tin ngày 29/6, đoàn quan chức cao cấp của Bộ quốc phòng Việt Nam do Trung tướng Võ Tiến Trung, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Học viện Quốc phòng, dẫn đầu, thăm và làm việc tại Trung Quốc, đã có buổi gặp làm việc với Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội TQ, tại tòa nhà Bát Nhất, đại bản doanh của quân đội Trung Quốc ở Bắc Kinh. Tướng Mã Hiểu Thiên  “hy vọng phía Việt Nam xử lý thỏa đáng các vấn đề nhạy cảm, hướng dẫn dư luận và ý dân một cách chính xác, ngăn không cho căng thẳng leo thang, tránh làm cho vấn đề trở nên phức tạp hóa, khuyếch đại hóa, đa phương hóa và quốc tế hóa”.

Theo kênh 7 Truyền hình Trung ương Trung Quốc, Trung tướng Võ Tiến Trung nói rằng Việt Nam coi trọng tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước và luôn luôn ghi nhớ sự hỗ trợ to lớn mà Trung Quốc dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh cho mục tiêu giải phóng dân tộc và độc lập quốc gia. Việt Nam sẽ cố gắng tăng cường hiểu biết và tin tưởng với Trung Quốc. Kênh truyền hình Trung Quốc cũng cho biết ông Trung khẳng định hai bên sẽ tăng cường trao đổi và hợp tác nhằm phát triển thêm quan hệ song phương và quan hệ giữa hai quân đội, nhất là “xử lý các vấn đề tế nhị, nhạy cảm một cách đúng đắn”.

Bài của Nhật báo Giải phóng quân không nhắc tới vấn đề Biển Đông, nhưng BBC cho rằng dường như Tướng Mã đã đề cập tình hình căng thẳng sau các diễn biến tại đây khi đưa ra những phát biểu nói rằng Việt Nam cần “hướng dẫn dư luận”. Theo RFA, Reuters, giới quan sát nhận định lời nói này có tính “nửa đe dọa, nửa xây dựng”.

Trung Quốc quan ngại về sự can dự tăng lên của Mỹ

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng Trung Quốc không được để vấn đề Biển Đông bị đưa ra theo kiểu tự do hàng hải cũng như không được để vấn đề này bị quốc tế hóa. Hiện tại cả ASEAN và  Trung Quốc đều thống nhất rằng tự do hàng hải không bị ảnh hưởng tại Biển Đông. Theo ông Su Hao, cái gọi là tự do hàng hải chỉ là  cái cớ và đằng sau đó là ý đồ mở  rộng và lợi dụng vấn đề này của Mỹ.  Ông Su Hao cũng lưu ý Mỹ gần đây đang đóng vai trò nổi trội hơn trong vấn đề này và  trích lại nhận định gần đây trên tờ  Financial Times: “Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong cuộc họp ASEAN tại Việt Nam năm 2010 về việc Mỹ có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải tại Biển Đông là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến ngoại giao sẽ phân định châu Á trong vài thập kỷ tới”. 

Các chuyên gia cũng lưu  ý rằng hiện đang có sự hiểu nhầm lan rộng về cách tiếp cận của Trung Quốc trong giải quyết vấn đề Biển Đông rằng Bắc Kinh phản  đối bất kỳ đối thoại đa phương. Ông Su Hao cho biết “Trung Quốc muốn giải quyết vấn đề biên giới trực tiếp với các nước láng giềng trên cơ  sở đàm phán song phương và sẽ chủ động tham gia vào các kênh đa phương nhưng sẽ bác bỏ  bất cứ nỗ lực nào nhằm mở rộng các vấn  đề thuộc Biển Đông”. 

Theo học giả Yang Baoyun, thuộc Đại học Bắc Kinh về các vấn  đề đảo, Trung Quốc đã thể hiện sự  chân thành trong thực hiện đối thoại đa phương như những gì đã đạt được khi ký DOC 2002. Điều đó có nghĩa là không nên có  sự can thiệp của bên ngoài khu vực”. Theo các chuyên gia vấn đề thực sự hiện nay là thực hiện các thỏa thuận đã đạt được bởi tất cả  các bên thay vì thực hiện những đàm phán mà chỉ  là thủ thuật câu giờ nhằm hành động đơn phương.

Tàu sân bay USS George Washington tiến vào Biển Đông ngày 3/7: Trung Quốc không hài lòng về sự can dự của Mỹ vào vùng biển này

Liên quan tới thuật ngữ  “lợi ích cốt lõi”, một số học giả Trung Quốc cho rằng giới báo chí đã cắt xén nguyên văn là: “Giải pháp hòa bình tại Biển Đông là  lợi ích cốt lõi của Chính phủ Trung Quốc”, chứ thực tế Trung Quốc chưa bao giờ tuyên bố Biển Đông là lợi ích cốt lõi của họ.

Nhiều sĩ quan và  học giả Trung Quốc cho rằng điều Mỹ lo ngại về tự do hàng hải trên biển này là vô  căn cứ vì do hàng hải trên vùng biển này chưa bao giờ có vấn đề, Trung Quốc cũng chưa từng cản trở thông thương trên biển và trên không của vùng biển này. Theo họ, cái mà Mỹ gọi là  “lợi ích quốc gia” tại biển này thực tế  không phải là tự do đi lại mà là sự  hiện diện của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương, hay nói cách khác là Mỹ tiếp tục muốn chiếm ưu thế quân sự vượt trội và ảnh hưởng chính trị của Mỹ đối với khu vực. 

Trung Quốc bày tỏ  sự quan ngại về sự can dự ngày càng tăng của Mỹ tại Biển Đông, phản đối quốc tế hóa vấn đề hàng hải. Một số học giả  Mỹ thì cho rằng việc Trung Quốc phản đối quốc tế hóa Biển Đông là nhằm phi quốc tế hóa một vùng biển quốc tế. Một khi Trung Quốc phi quốc tế hóa được nó, Trung Quốc sẽ  áp đặt sức mạnh và luật lệ của mình lên các nước Đông Nam Á. Bên cạnh những khái niệm như  “lợi ích cốt lõi”, “tự do hàng hải”, và “quốc tế hóa” thì “đường chữ  U” (lưỡi bò) đang là vấn đề gây tranh cãi và mơ hồ nhất giữa Trung Quốc với các nước tranh chấp. Đường đứt đoạn gốc do các nhà  chức trách Trung Quốc vẽ năm 1947, gồm 11 đoạn. Sau này Cộng hòa nhân dân Trung Hoa bỏ 2 đoạn trong vịnh Bắc Bộ. Trung Quốc chưa bao giờ làm rõ các giá  trị pháp lý quốc gia và quốc tế của các đoạn đứt khúc này. Ngay cả các học giả Trung Quốc cũng có cách giải thích khác nhau, đôi khi đối lập nhau tại các hội nghị quốc tế. Cho đến khi Trung Quốc làm rõ tuyên bố chủ  quyền của họ thì không chỉ có các nước tranh chấp mà cả toàn bộ cộng đồng quốc tế đều quan ngại sâu sắc. Nó đã trở thành vấn đề nhức đầu dai dẳng của những nhà  hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Với tình hình leo thang trên Biển Đông vừa qua, cả Trung Quốc và  Mỹ đều đổ lỗi cho nhau đã thay đổi lập trường tại Biển Đông, một bên thì coi Biển Đông thuộc lợi ích cốt lõi, bên kia coi Biển Đông thuộc lợi ích quốc gia của mình. “Tự do hàng hải” giúp Mỹ biện minh cho việc tăng cường can dự tại biển Đông, trong khi Trung Quốc thì  cho rằng “tự do hàng hải” chưa từng bị  xâm phạm và rằng Trung Quốc chia sẻ với Mỹ  cùng quan ngại về an ninh và an toàn hàng hải qua khu vực.

Cũng theo nguồn  Thái Dương trên đây, trong tình hình hiện nay, Mỹ đang cao giọng “trở lại châu Á”, Mỹ có Hiệp ước đồng minh quân sự với Philippines, đồng thời cũng thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam. Hai năm trở lại đây, hợp tác quân sự Mỹ-Việt đột ngột được thúc đẩy mạnh mẽ, một trong những nguyên nhân chính tất nhiên là nhằm cân bằng sức mạnh của Trung Quốc ở khu vực. Gần 10 năm trở lại đây, Trung Quốc đã hao tốn biết bao tinh lực, tiền của để gây dựng các mối quan hệ với ASEAN, kết quả đạt được rất đáng khâm phục, vai trò và vị trí của Trung Quốc trong Hiệp hội này là không thể phủ nhận. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hối thúc Mỹ phải cấp bách trở lại châu Á. Nếu Trung Quốc tiến hành một cuộc chiến quy mô nhỏ có giới hạn đối với Việt Nam hay Philippines, bao nhiêu thành quả và công lao Trung Quốc gây dựng ở ASEAN trước đây sẽ “đổ xuống sông xuống biển”, đồng thời tạo cho Mỹ những lý do và điều kiện tuyệt vời để “trở lại châu Á”.

Theo Thái Dương, nếu như đánh một trận là có thể giải quyết vấn đề một cách vĩnh viễn, như vậy còn có thể phải suy nghĩ lại. Vấn đề ở chỗ sau khi đánh xong và giành chiến thắng, quân lực Trung Quốc cũng không có cách nào để kiểm soát hoàn toàn Biển Đông, bởi Trung Quốc vẫn chưa có lực lượng hải quân và không quân đủ mạnh để kiểm soát hữu hiệu Biển Đông. Hơn nữa, khi xảy ra chiến sự ở Biển Đông, Mỹ chắc chắn sẽ thừa cơ can thiệp, Trung Quốc sẽ khó bề tiến thoái.

Bài học tình hình Trung Đông cho thấy chủ nghĩa vũ lực của Israel đã  đẩy khu vực luôn ở trong vòng xoáy bất ổn. Chủ nghĩa này đã đẩy tất cả các tranh chấp nhanh chóng leo thang thành vấn đề quân sự, trong khi mọi biện pháp khác như ngoại giao, đàm phán hay kinh tế… đều bị coi nhẹ./.

Theo toquoc.gov.vn


Newer news items:
Older news items: