Nam Sudan lập quốc In
Giới thiệu chung
Chủ nhật, 10 Tháng 7 2011 00:13
Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc… tuyên bố công nhận Cộng hòa Nam Sudan.

Nửa đêm 8-7, tất cả nhà thờ Công giáo ở Juba (Nam Sudan) đã đồng loạt đổ chuông báo hiệu ngày Nam Sudan tuyên bố lập quốc. Đêm trước đó, người dân Nam Sudan đã lũ lượt đổ ra đường phố mang theo cờ nước mới, đánh trống, nhảy múa, ca hát chờ đón ngày trọng đại.

An ninh đã được củng cố tại Juba với đông đảo binh lính trang bị súng ống trực gác khắp đường phố.

Sáng 9-7, tại buổi lễ tổ chức trang trọng ở thủ đô mới Juba, Chủ tịch Quốc hội Nam Sudan James Wanni Igga đã đọc Tuyên bố độc lập của Nam Sudan.

Lá cờ mới của Nam Sudan được kéo lên trong tiếng reo hò và nước mắt của hàng chục người dự khán. Ông Pagan Amum, Tổng Bí thư Phong trào Giải phóng nhân dân Sudan (đảng cầm quyền ở Nam Sudan), phát biểu trước cờ.

Một thanh niên vẽ màu cờ nước Nam Sudan chào mừng Nam Sudan lập quốc. Ảnh: REUTERS

Sau đó, ông Salva Kiir tuyên thệ nhậm chức tổng thống và phê duyệt bản hiến pháp tạm thời.

Từ giờ phút này, Nam Sudan (đa số dân theo Công giáo) đã tách khỏi miền Bắc Sudan (đa số theo Hồi giáo) để trở thành quốc gia thứ 54 của châu Phi và thứ 193 của thế giới.

Có mặt trên lễ đài dự lễ tuyên bố lập quốc của Nam Sudan có Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, đại biểu của Liên đoàn Ả Rập, Liên minh châu Phi, Liên minh châu Âu và nhiều nguyên thủ quốc gia, trong đó có Tổng thống Sudan Omar al-Bashir, người đang bị Tòa án Hình sự quốc tế phát lệnh bắt giữ vì phạm tội ác diệt chủng và tội ác chống nhân loại.

Trong các nước nhanh chóng tuyên bố công nhận nước Cộng hòa Nam Sudan có Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc.
Một ngày trước khi Nam Sudan tuyên bố lập quốc, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi các nhà lãnh đạo mới ở Nam Sudan và các nhà lãnh đạo ở Sudan hợp tác nhằm vượt qua những thách thức hiện tại, trong đó có vấn đề vùng đất tranh chấp Abyei.

Cùng ngày, Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua nghị quyết thành lập phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan mang tên Phái bộ của LHQ ở Cộng hòa Nam Sudan. Phái bộ bắt đầu hoạt động ngày 9-7, trước mắt sẽ hoạt động trong thời gian một năm, bao gồm 7.000 binh sĩ, 900 cảnh sát và các chuyên viên dân sự.

Hội đồng Bảo an LHQ cũng quyết định ấn định thời hạn 3-6 tháng để xem xét xem có thể giảm quân số của phái bộ xuống còn 6.000 binh sĩ.

Theo phapluattp

Địa lý: Nam Sudan giáp Ethiopia, Kenya, Uganda, CHDC Congo và Trung Phi, diện tích rộng bằng 24% Sudan cũ, dân số bằng 20% Sudan cũ (8,5 triệu người). Thủ đô mới là Juba. Chính trị: Năm 2005, nội chiến Bắc-Nam chấm dứt. Phong trào Giải phóng nhân dân Sudan do John Garang thành lập và đảng Quốc đại của Tổng thống Bashir đã thành lập chính phủ liên hiệp. Tháng 4-2010, Salva Kiir thay thế John Garang (tử nạn trong tai nạn máy bay trực thăng năm 2005) đứng đầu Nam Sudan và chỉ đạo Quốc hội Nam Sudan.

Kinh tế: Sudan có trữ lượng dầu 6,7 tỉ thùng. Miền Nam và vùng biên giới sản xuất 3/4 trong sản lượng 470.000 thùng/ngày. Dầu hỏa chiếm 98% thu nhập Nam Sudan. Nam Sudan còn có nguồn tài nguyên khoáng sản (đặc biệt là uranium) và tiềm năng nông nghiệp chưa khai thác do chiến ttranh.

Quân sự: Quân đội Giải phóng nhân dân Sudan gồm 140.000 người.


Newer news items:
Older news items: