Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020:Hoàn thiện thể chế, tinh gọn bộ máy In
Công tác Văn phòng
Thứ ba, 14 Tháng 6 2011 02:51

Dự thảo Nghị quyết ban hành Chương trình cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020 đã được Bộ Nội vụ trình lên Chính phủ xem xét, thảo luận trong phiên họp thường kỳ tháng 5-2011 (diễn ra ngày 2-6).

Ảnh minh họa

Theo đó, trọng tâm của công tác CCHC thời gian tới là hoàn thiện hệ thống thể chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC), hướng tới hệ thống cơ quan hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Tiếp tục thực hiện những mục tiêu chưa đạt được

CCHC giai đoạn 2001-2010 đã được triển khai trên các nội dung: cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính. Qua 10 năm triển khai, kết quả tích cực đạt được là bộ mặt của nền hành chính nhà nước đã bước đầu thay đổi, hướng tới phục vụ nhân dân, xã hội; hệ thống thể chế được xây dựng và hoàn thiện hơn, tổ chức bộ máy tinh gọn hơn và chất lượng đội ngũ CBCC được nâng lên một bước. CCHC đã thực sự góp phần vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị và trật tự xã hội. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu đã đề ra là xây dựng một nền hành chính công chuyên nghiệp, hiệu quả. Nguyên nhân của việc không đạt được mục tiêu này là do vẫn còn tồn tại cơ chế xin - cho và trình độ CBCC chưa đạt yêu cầu. Dù đã có nhiều biện pháp đổi mới trong các khâu đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, song, ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ) cho biết: "Theo thống kê chưa đầy đủ, có tới 30% công chức cấp xã chưa qua đào tạo và trong các cơ quan hành chính nhà nước, chỉ có khoảng 30% CBCC làm việc có hiệu quả cao, số còn lại không có hiệu quả gì đặc biệt". Bên cạnh đó, nhiều CBCC không chịu khó tu dưỡng, rèn luyện vì quá yên tâm với vị trí của mình. Đó là hậu quả của việc tuyển dụng theo cơ cấu, theo trình độ bằng cấp chứ không theo khả năng đáp ứng nhu cầu công việc. Đồng thời, rất ít cơ quan thực hiện tốt chính sách tinh giản biên chế. Trong các tổ chức được Công ty Tư vấn độc lập DEPOCEN (công ty đã khảo sát 6 bộ và cơ quan ngang bộ cùng 9 tỉnh, TP trực thuộc TƯ) phỏng vấn thì có khoảng 51% CBCC còn không biết rằng cơ quan họ đang có kế hoạch tinh giản biên chế hoặc ai đã bị tinh giản biên chế; phần lớn các cơ quan có thực hiện thì chỉ tinh giản những cán bộ đã sắp đến tuổi nghỉ chế độ, cho dù họ vẫn đang làm việc tốt; CBCC trong các độ tuổi khác bị tinh giản rất ít. Đó là những lý do khiến CBCC ở nhiều nơi vẫn còn thái độ thờ ơ, vô cảm, tắc trách khi thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính, gây phiền hà cho tổ chức, công dân và doanh nghiệp.

Rút kinh nghiệm từ kết quả thực hiện chương trình CCHC 10 năm trước, báo cáo dự thảo Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020 có trọng tâm là: Cải cách thể chế và nâng cao chất lượng CBCC. Ý kiến các thành viên Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 5-2011 đều thống nhất định hướng công cuộc CCHC giai đoạn tới cần phải tập trung vào hai nội dung trọng tâm này; đồng thời, đẩy mạnh thực hiện triệt để hơn cải cách TTHC, tài chính công, hiện đại hóa hành chính. Trong đó, việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCC có yếu tố đi kèm hết sức quan trọng là cải cách chế độ, chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực sự để CBCC làm việc; nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.

Huy động nhiều nguồn lực

Chương trình CCHC giai đoạn 2011-2020 được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 (2011-2015) và giai đoạn 2 (2016-2020). Chương trình đã nêu rõ danh mục 19 chương trình, dự án, đề án nhiệm vụ quy mô quốc gia cần phải thực hiện. Trong đó, điểm mới là đã quy định cụ thể kinh phí dành cho chương trình gồm ngân sách TƯ bảo đảm kinh phí xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, đề án trên quy mô toàn quốc; ngân sách TƯ hỗ trợ đối với một số địa phương khó khăn để triển khai các nhiệm vụ CCHC nhằm bảo đảm sự thực hiện thống nhất, đồng bộ các chương trình, dự án, đề án CCHC có quy mô quốc gia; ngân sách của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ bảo đảm kinh phí thực hiện các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ CCHC của mình từ dự toán chi ngân sách hằng năm được cấp có thẩm quyền giao và từ các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Dù rằng, mục tiêu đặt ra với chương trình CCHC 10 năm tới vẫn còn nhiều điều được xem là khó vươn tới như: sự hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức 85% vào năm 2015; đến năm 2020, xây dựng được một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; đến năm 2020, tiền lương của CBCC được cải cách cơ bản, bảo đảm được cuộc sống của CBCC và gia đình ở mức trung bình khá trong xã hội... Song, với lịch trình cụ thể và sự phân công trách nhiệm rõ ràng tới từng cấp, từng địa phương, Chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2011-2020 đang được nhiều người trông đợi sớm đi vào thực tiễn để góp phần xây dựng hệ thống cơ quan hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, phát huy quyền làm chủ của nhân dân./.

Theo http://www.hanoinews.com.vn


Newer news items:
Older news items: