Cải cách hành chính: Từ cách nhìn của các nhà khoa học In
Công tác Văn phòng
Thứ tư, 08 Tháng 6 2011 03:14

Ngày 19/5, Học viện Hành chính – cơ sở tại TP.HCM đã tiến hành Hội thảo “Đánh giá 10 năm thực hiện chương trình cải cách hành chính 2001 - 2010”

Điểm mới của hội thảo lần này là có sự tham gia tham luận, góp ý của đông đảo các nhà khoa học hành chính từ góc độ lí luận. Bà Lê Thị Vân Hạnh - Phó Giám đốc Học viện, cho rằng rất nhiều cuộc hội thảo về cải cách hành chính (CCHC) được tổ chức trước đây ở tất cả các cấp bộ, ngành và địa phương, nhưng chủ yếu chỉ tập trung lấy ý kiến từ các nhà hoạch định chính sách và những người thực hiện nó mà thiếu hẳn sự lắng nghe, đóng góp ý kiến từ các nhà khoa học.

Điều này có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến cho những CCHC của nước ta thiếu cơ sở khoa học để xác định được tính chính xác cũng như có thể thực thi trong đời sống.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Trần Trọng Đức nhấn mạnh hội thảo lần này là diễn đàn khoa học nhằm đưa ra những đánh giá khách quan và có phương pháp về việc thực hiện “Chương trình tổng thể cải cách hành chính” trong 10 năm qua để từ đó hình thành những luận cứ khoa học cho việc thực hiện cải cách hành chính 10 năm tiếp theo.

TS Đức cho biết thêm, ở nước ta khoa học hành chính đã hình thành và phát triển từ nhu cầu hiểu biết về nền hành chính và sự vận hành của nó, đó là lĩnh vực học thuật mang tính đa ngành với trụ cột là các lĩnh vực: chính sách công, khoa học tổ chức, nguồn nhân lực, tài chính công và đạo đức công vụ. Đây là những cơ sở để từ đó nhà nghiên cứu tìm cách tiếp cận với thực tiễn quản lý nhà nước và công cuộc cải cách hành chính.

Theo ông, dưới góc độ nghiên cứu, ở trình độ hiện nay, các nghiên cứu khoa học về hành chính công, về thực tiễn quản lý nhà nước đều nhằm khám phá (1) Bộ máy quản lý nhà nước cần phải như thế nào có thể thực hiện thành công các chức năng của nhà nước với tư cách là nhà hoạch định chiến lược, hoạch định chính sách và nhà cung ứng các dịch vụ công trong bối cảnh cụ thể của mỗi quốc gia; và (2) Bộ máy quản lý nhà nước tổ chức thực hiện những nhiệm vụ của nó như thế nào để với một chi phí thấp nhất có thể đạt được kết quả cao nhất. Cả hai điều này cần được làm sáng tỏ và chỉ có một sự nghiên cứu cẩn thận mới có thể làm sáng tỏ những điều đó.

Do đó, TS Đức kết luận, CCHC từ cách nhìn của các nhà khoa học sẽ là những đóng góp trí tuệ và tâm huyết cho công cuộc phát triển đất nước. Cách nhìn nhận và những ý kiến có thể là rất khác nhau, nhưng những sự khác nhau đó là cội nguồn cho những ý tưởng mới và đó là cốt lõi của mọi cuộc cải cách.

Ý kiến của các nhà khoa học

Để cụ thể hóa cho những nhận định về giá trị đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, ban tổ chức đã công bố hơn 30 tham luận của hơn 30 nhà khoa học gửi đến hội thảo lần này. Đáng chú ý là phát biểu của PGS.TS Nguyễn Văn Thủ về việc thiết kế chương trình CCHC; phát biểu của TS Nguyễn Văn Cường về CCHC của một số quốc gia trên thế giới để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam và phát biểu của đại diện Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) TP.HCM…

PGS.TS Nguyễn Văn Thủ nhận xét, rằng điểm hạn chế ở chương trình CCHC trước đây của chúng ta là xác định mục tiêu cụ thể không đồng bộ, không cụ thể hóa được các mục tiêu tổng quát. Được biết các mục tiêu tổng quát cho chương trình tổng thể CCHC giai đoạn 2001 -2010 bao gồm: (1) dân chủ, (2) trong sạch, (3) vững mạnh, (4) chuyên nghiệp, (5) hiện đại hóa, (6) hoạt động có hiệu lực và (7) có hiệu quả. Có thể nhận thấy các mục tiêu này là một tập hợp các giá trị cao đẹp, mang tính nhân bản, mà chắc không một nền hành chính nào trên thế giới không mong đợi. Tuy nhiên, cũng chính bởi tính hoàn thiện, hoàn mỹ đó mà trên thực tế rất khó hiện hữu.

Bởi vậy, ông Thủ cho rằng chương trình CCHC sắp tới của Việt Nam cần khắc phục được hạn chế này, cần phải cụ thể hóa và đồng bộ được các mục tiêu cụ thể và tổng quát bằng cách nên xác định trước các mục tiêu cụ thể trước khi đưa ra mục tiêu lớn. Bằng cách đó còn có thể giúp đồng bộ các chính sách thực hiện các mục tiêu. Bởi vì một khi các mục tiêu cụ thể được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động cụ thể tương ứng thì sẽ tránh được những lệch chuẩn và sai lầm.

Đồng ý với quan điểm của PGS.TS Nguyễn Văn Thủ, TS. Cường bổ sung thêm sau những nghiên cứu về các mô hình CCHC của một số quốc gia trên thế giới. Ông cho rằng cốt lõi của CCHC ở Việt Nam chính là cải cách phải bắt đầu từ thay đổi nhận thức. TS. Cường nhấn mạnh: Cần tạo được sự đồng thuận, thống nhất trong quan điểm và nhận thức về cải cách của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ công chức trong các cơ quan công quyền cũng như người dân về chủ trương, đường lối cải cách do Đảng cầm quyền. CCHC làm thay đổi nhận thức về vai trò và chức năng của Nhà nước (trong bối cảnh thế giới liên tục biến động và phát triển) từ quản lý sang hỗ trợ và phục vụ… “Để làm được nhiệm vụ này, vai trò của các nhà khoa học quan trọng hơn bao giờ hết”, TS Cường khẳng định.

Cũng dưới góc nhìn của nhà khoa học, bà Trương Thị Thùy Trang - Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, gợi ý một giải pháp khá mới mẻ trong CCHC cho Việt Nam. Bà Trang nói, bản chất của việc CCHC là giải quyết mâu thuẫn lợi ích của 2 nhóm - nhóm lợi ích của những người đang điều hành, soạn thảo, giám sát và phân bổ nguồn lực và thứ hai là nhóm lợi ích của những người đóng thuế, những người đóng góp nguồn lực để góp phần duy trì sự sống còn của nhóm một. Một công cụ có thể giúp Việt Nam giải quyết triệt để khó khăn này là áp dụng công cụ ISO hành chính công. Bà Trang nhấn mạnh, công cụ ISO hành chính công là một chuẩn mực của lý thuyết về mặt khoa học của quốc tế, được áp dụng thành công ở rất nhiều quốc gia trên thế giới. Nên chăng Việt Nam nên tích hợp công cụ ISO hành chính công và đề án 30 có thể tạo ra một luồng gió mới, cái nhìn mới cho công cuộc CCHC của nước nhà?

Theo http://www.tamnhin.net


Newer news items:
Older news items: