Kiểm soát thủ tục hành chính – việc làm thiết thực để thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI In
Công tác Văn phòng
Thứ tư, 06 Tháng 4 2011 23:47
Nhằm thúc đẩy việc triển khai thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC tại các bộ, ngành, địa phương- nhiệm vụ của cải cách hành chính giai đoạn tiếp theo Đề án 30- đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP có bài viết với tiêu đề nêu trên. Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Lợi ích của kiểm soát thủ tục hành chính

Kết thúc giai đoạn rà soát của Đề án 30, Chính phủ đã thông qua 25 nghị quyết về phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) của các bộ, ngành. Theo đó gần 5.000 trên tổng số 5.400 TTHC sẽ được đơn giản hóa, trong đó sửa đổi, bổ sung 4.146 thủ tục, bãi bỏ 480 thủ tục, kiến nghị thay thế 192 thủ tục, đạt tỷ lệ 88%.

 

Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Tiếp đó, cần có sự phối hợp hiệu quả giữa cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC với các vụ, cục chức năng của mỗi bộ, cơ quan ngang bộ; với các sở, ngành của mỗi địa phương trong quá trình xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC. Việc kiểm soát TTHC không thể thành công nếu các bộ, ngành, địa phương “phó mặc” chức năng này cho cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC.Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là công tác truyền thông và việc huy động nguồn lực của xã hội tham gia vào việc kiểm soát TTHC.

Đây là kết quả bước đầu quan trọng của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, được Quốc hội, nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận.

Kết quả này cũng giúp Chính phủ nhận diện được những khiếm khuyết, bất cập của hệ thống các quy định về TTHC, đặc biệt là vấn đề chất lượng của các quy định.

Bên cạnh đó, những yêu cầu của hội nhập, những thách thức của cạnh tranh trong hội nhập quốc tế và các biến động kinh tế - xã hội trên quy mô toàn cầu cũng đòi hỏi Việt Nam tiếp tục các nỗ lực cải cách TTHC, nâng cao chất lượng hệ thống thể chế để giải phóng các nguồn lực xã hội, phát huy tính sáng tạo, thu hút đầu tư, tạo việc làm và tăng trưởng bền vững.

Đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI.

Kiểm soát TTHC nói riêng và cải cách TTHC nói chung có hiệu quả là hoạt động mang lại lợi ích trực tiếp cho các cá nhân, tổ chức nhưng đồng thời không để sơ hở trong công tác quản lý nhà nước.

Thực tiễn triển khai Đề án 30 cho thấy, các phương án đơn giản hóa TTHC sau khi được hiện thực hóa thông qua việc sửa đổi các văn bản pháp luật có liên quan sẽ góp phần cắt giảm gần 30.000 tỷ đồng/năm chi phí tuân thủ TTHC cho các cá nhân, tổ chức.

 

Thành công của Đề án 30 sẽ giúp người dân và cả cơ quan hành chính nhà nước không phải chịu cảnh "quá tải" khi thực hiện các TTHC- Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Việc cải cách TTHC cũng góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Mặc dù kết quả cải cách TTHC mới được thực thi một phần, nhưng theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, thông qua nỗ lực cải cách TTHC, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 10 bậc, đứng thứ 78/183 nền kinh tế thế giới.

Qua đánh giá chương trình đơn giản hóa TTHC của Việt Nam, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD cho rằng: “Chính phủ Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện quản trị công, nâng cao chất lượng thể chế, kích thích năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bình đẳng. Rất ít quốc gia trên thế giới thực hiện được chương trình cải cách có quy mô như Đề án 30.”

Nội dung kiểm soát thủ tục hành chính

Để duy trì các kết quả bền vững của Đề án, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 về kiểm soát TTHC và thiết lập bộ máy kiểm soát TTHC từ trung ương đến địa phương, gồm Cục Kiểm soát TTHC đặt tại Văn phòng Chính phủ và các Phòng Kiểm soát TTHC đặt tại văn phòng các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh.

Theo các quy định pháp luật, hệ thống các cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC có chức năng, nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

- Kiểm soát và nâng cao chất lượng các quy định về TTHC thông qua việc hỗ trợ các đơn vị chức năng thuộc bộ, ngành, địa phương thực hiện đánh giá tác động các quy định về TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo 04 tiêu chí: sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và tính hiệu quả; nghiên cứu để rà soát, đánh giá độc lập các quy định về TTHC đã được ban hành để đề xuất phương án đơn giản hóa;

- Bảo đảm công khai, minh bạch các thông tin về TTHC; duy trì và cập nhật cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC nhằm tạo điều kiện cho cá nhân và tổ chức tiếp cận, thực hiện và giám sát việc thực hiện TTHC;

- Thực hiện việc tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính để xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển cơ quan chức năng xử lý, đồng thời giúp cơ quan hành chính các cấp kịp thời phát hiện và chấn chỉnh hành vi vi phạm của cán bộ công chức trong quá trình giải quyết TTHC, đánh giá và sửa đổi những quy định hành chính không còn phù hợp đang gây khó khăn, cản trở cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân.

Nói tóm lại, kiểm soát TTHC là một quy trình bắt đầu từ việc đánh giá tác động các quy định về TTHC trong quá trình dự thảo do các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật thực hiện; gửi lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC; công khai, minh bạch TTHC sau khi ban hành; kiểm soát việc thực thi TTHC trong thực tiễn; và tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định định hành chính nhằm phát hiện và giải quyết những bất cập của các quy định hành chính, cũng như giám sát việc thực thi TTHC của đội ngũ cán bộ, công chức.

Việc đánh giá tác động các quy định về TTHC có ý nghĩa thiết thực trong việc tăng cường “trách nhiệm giải trình” trước nhân dân của các Ban soạn thảo về sự cần thiết, tính hợp lý, tính hợp pháp và tính hiệu quả của quy định về TTHC dự kiến ban hành.

Nếu các thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập không trả lời được các câu hỏi nêu trong các biểu mẫu đánh giá mà vẫn cứ trình ban hành thủ tục này thì các đối tượng chịu sự tác động sẽ khó khăn trong việc thực hiện TTHC. Làm tốt việc này sẽ giúp nâng cao chất lượng các TTHC dự kiến được ban hành và cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh của nước ta.

Tuy nhiên, đây là một công việc khó vì làm thay đổi thói quen, cách làm cũ. Việc này mang tính khoa học và khách quan nên đòi hỏi đội ngũ cán bộ công chức cần phải đầu tư đủ thời gian, công sức, trí tuệ cho công việc này. Do đó, bước đầu thực hiện chắc chắn gặp lực cản ngay từ chính những người phải thực thi quy định này.

 

Đề án 30 góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia nhờ việc xây dựng và hoàn thiện môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thu hút đông đảo các nhà đầu tư nước ngoài

Việc lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị pháp chế cả về nội dung và thời điểm, bởi lẽ:

Thứ nhất, thời điểm các Ban soạn thảo gửi dự thảo văn bản để lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC cùng vào thời điểm gửi lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan và gửi đăng tải công khai toàn văn dự thảo văn bản trên trang tin điện tử để lấy ý kiến các đối tượng tuân thủ.

Thời gian đăng tải đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ là 60 ngày, trong khi đó trong thời hạn 20 ngày Cục Kiểm soát TTHC, và 10 ngày Phòng Kiểm soát TTHC đã phải có ý kiến tham gia gửi Ban soạn thảo đối với những văn bản có quy định về TTHC. Ý kiến tham gia của cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC sẽ là kênh phản biện để hỗ trợ các Ban soạn thảo trong quá trình nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện dự thảo văn bản có quy định về TTHC.

Thứ hai, cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC có trách nhiệm hỗ trợ, hướng dẫn cho các đơn vị thuộc các bộ, ngành, địa phương trong việc đánh giá tác động các quy định về TTHC trong dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật.

Việc này nhằm giúp các Ban soạn thảo có được những đánh giá khách quan hơn và những cải cách tích cực hơn đối với những TTHC dự kiến ban hành, giảm thiểu rủi ro cho các đối tượng tuân thủ. Ý kiến của các cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC chính là ý kiến của bên thứ ba, bên cạnh ý kiến của cơ quan xây dựng văn bản và đối tượng tuân thủ nhằm bảo đảm cân bằng lợi ích giữa các bên, bảo đảm nguyên tắc tạo thuận lợi, cắt giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp nhưng phải bảo đảm được mục tiêu quản lý của nhà nước.

Từ những vấn đề nêu trên cho thấy nếu các Ban soạn thảo làm tốt công tác đánh giá tác động các quy định về TTHC trên cơ sở nghiên cứu ý kiến tham gia của cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC, chắc chắn sẽ hỗ trợ tích cực cho công tác thẩm định của các đơn vị pháp chế, nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật và có thể còn góp phần rút ngắn thời gian thẩm định của các đơn vị pháp chế khi thẩm định TTHC trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Yếu tố quyết định thành công

Để triển khai thành công nhiệm vụ kiểm soát TTHC, trước hết đòi hỏi nhận thức rõ ràng, xuyên suốt của toàn bộ hệ thống hành chính về nhiệm vụ này, từ người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tới đội ngũ cán bộ, công chức tiếp xúc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp.

Việc kiểm soát TTHC qua đó nâng cao chất lượng hệ thống các quy định hành chính không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC mà đòi hỏi sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống hành chính, từ cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC tới các bộ phận trực tiếp thực hiện TTHC.

Thứ hai, cần quán triệt tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho cá nhân và tổ chức, cắt giảm việc hành chính hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, sử dụng các biện pháp xã hội hóa, hậu kiểm, để đạt được mục tiêu quản lý nhà nước mà không tạo gánh nặng hành chính lên cá nhân, tổ chức.

Thực tế rà soát TTHC theo Đề án 30 cho thấy có thể loại bỏ rất nhiều quy định hành chính là rào cản cho hoạt động kinh doanh và đời sống của nhân dân mà vẫn bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước. Các phương án đơn giản hóa đối với các thủ tục gắn với hóa đơn giá trị gia tăng, khai thuế, nộp thuế, thông quan, cấp giấy phép xây dựng là những minh chứng điển hình cho tinh thần này.

Thứ ba, cần nhanh chóng kiện toàn tổ chức và xây dựng năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC. Quy trình xây dựng, ban hành các quy định hành chính trước đây nặng về tính hợp pháp của văn bản và các quy định mà chưa chú trọng đến các yếu tố kinh tế, kỹ thuật.

Việc kiểm soát TTHC nói chung và đánh giá tác động các quy định về TTHC nói riêng theo các quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP đòi hỏi những kỹ năng mới của đội ngũ cán bộ công chức để bảo đảm triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ mới này.

 


Truyền thông là công cụ hữu hiệu trong việc nâng cao nhận thức của toàn xã hội, bao gồm cả trong và ngoài bộ máy hành chính. Việc huy động các đối tượng chịu tác động của TTHC tham gia có hiệu quả vào việc xây dựng các quy định hành chính sẽ bổ sung thêm nguồn lực cho việc kiểm soát TTHC từ các sáng kiến cải cách TTHC đến việc giám sát thực hiện TTHC theo đúng các quy định của pháp luật.

Tinh thần “Chung tay cải cách thủ tục hành chính” của Đề án 30 cần tiếp tục duy trì và phát huy trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mới đầy khó khăn, thách thức này.

Chúng tôi tin rằng với quyết tâm của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới, nhiệm vụ kiểm soát TTHC chắc chắn sẽ hoàn thành, góp phần đưa Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững./.

Theo chinhphu.vn


Newer news items:
Older news items: