Đề án 30: Cuộc đấu tranh cắt bỏ quyền... hành dân In
Công tác Văn phòng
Chủ nhật, 20 Tháng 2 2011 14:33
Ra mắt Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) trực thuộc Văn phòng Chính phủ.

Thực hiện đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính (Đề án 30), lần đầu tiên trong lịch sử, bộ cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính áp dụng tại bốn cấp chính quyền với hơn 5.400 thủ tục, 9.000 văn bản quy định đã được tập hợp, xây dựng. Ngoài ra, 10.000 bộ thủ tục cấp xã và 700 bộ thủ tục cấp huyện cũng được thu gọn, chuẩn hóa còn 63 bộ thủ tục cấp xã và 63 bộ thủ tục cấp huyện.

“Cuộc cải cách hành chính này thực chất là cắt bỏ những quyền lực gây ra nhũng nhiễu, cản trở sự phát triển. Có khi chỉ là cái giấy rất nhỏ nhưng nó lại là quyền lực gây nhũng nhiễu, làm bộ máy không trong sạch. Tôi đang có quyền này, ông đến bảo dẹp đi thì làm sao tôi chịu. Cho nên, cắt bỏ những quyền lực này chính là cuộc đấu tranh để chống lại những công cụ có thể gây ra sự thiếu trong sạch, thiếu minh bạch trong bộ máy. Đây là một cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, là một cuộc đấu tranh mang tính cách mạng!”. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị tổng kết hoạt động của Tổ đề án 30 vào sáng 19-2.

Đề án đã điểm đúng huyệt

Đến nay, Chính phủ đã hoàn thành giai đoạn hai của Đề án 30 thông qua việc ban hành 25 nghị quyết đơn giản gần 5.000 TTHC, chiếm 88% số thủ tục được rà soát. Thực hiện các phương án đơn giản hóa số thủ tục này sẽ cắt giảm hơn 37% chi phí tuân thủ TTHC cho người dân và doanh nghiệp (DN), ước gần 30.000 tỉ đồng mỗi năm.

Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Tổ phó Tổ đề án 30, kết quả của Đề án 30 được các tổ chức quốc tế, cộng đồng DN và người dân nhìn nhận, đánh giá cao. “Điển hình theo báo cáo môi trường kinh doanh năm 2011 của Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 11-2010, thông qua hoạt động cải cách đã đưa Việt Nam vào nhóm 10 nền kinh tế có nhiều sự cải thiện môi trường kinh doanh và tăng 10 bậc trong bảng xếp hạng các nền kinh tế. Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đánh giá Đề án 30 đã cải thiện quản trị công, nâng cao chất lượng thể chế, kích thích năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bình đẳng. Họ cho rằng Đề án 30 có thể được coi là một mô hình mẫu cho các quốc gia khác có mức thu nhập bình quân đầu người tương tự Việt Nam tham khảo” - ông Mẫn cho biết.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, kết quả của Đề án 30 không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội rất quan trọng là góp phần làm bộ máy trong sạch, vững mạnh. Thông qua cải cách hành chính, thủ tục minh bạch, thông thoáng sẽ góp phần tích cực vào đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng và làm lành mạnh bộ máy.

“Tôi thật sự mừng vì tư duy của chúng ta đã nhìn đúng điểm trọng tâm là chúng ta phải có một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh và phải thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Thủ tục là nơi chuyển giao các quyền lực, thực thi quyền lực của Nhà nước với người dân và DN. Quy định cho hay không cho, cấp hay không cấp, ra quyết định hay không là một khâu rất trọng yếu của toàn bộ hệ thống thể chế. Thể chế đúng, hay, phù hợp với định hướng nhưng thủ tục rườm rà thì thể chế cũng vô nghĩa!” - Phó Thủ tướng nói.

Không thể ôm thành quả rồi ngồi im

Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn cho rằng Đề án 30 đã đạt được thành quả bước đầu rất quan trọng nhưng chủ yếu là trên giấy tờ, sổ sách. Thực tế tiếng kêu của người dân và DN vẫn còn nhiều và giai đoạn ba mới là giai đoạn thực sự đưa thành quả của Đề án 30 vào cuộc sống.

“Giai đoạn ba thực hiện các phương án sửa đổi các luật, pháp lệnh, nghị định để đưa ra những chính sách cụ thể mới là lúc người dân và DN cảm thấy rõ ràng tác động của đề án” - ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, phân tích. Theo ông Cung, Quốc hội có thể ban hành một luật để sửa đổi nhiều luật, Chính phủ cũng có thể làm tương tự khi ban hành một nghị định sửa nhiều nghị định để rút ngắn thời gian thông qua các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Có làm như thế thì kết quả Đề án 30 mới nhanh chóng thành hiện thực.

“Nếu chỉ ôm thành quả ngồi im thì sẽ vô hiệu hóa thành quả đạt được trong thời gian qua. Cứ thử hình dung tài liệu không giải quyết cứ chất lên bàn thì một ngày, hai ngày… sẽ thành một đống như đống rơm rất khó giải quyết. Cải cách thể chế là một khâu đột phá mang tầm chiến lược, giải phóng những cản trở sự phát triển nên phải thực hiện lâu dài. Nếu không làm tốt không khéo thủ tục lại trở lại như cũ, có khi còn nhiều hơn” - Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lưu ý.(Theo Phapluat)


Newer news items:
Older news items: