Các cô dâu Việt trải lòng về cuộc sống ở xứ Hàn PDF. In Email
Giới thiệu chung
Chủ nhật, 01 Tháng 8 2010 05:17

Trở lại đất nước sau hơn 5 năm lấy chồng xứ kim chi, dù mệt mỏi vì say xe sau chuyến đi dài ngày, chị Nguyễn Thị Ngát (Kiến Thụy, Hải Phòng) vẫn vui mừng khôn xiết khi nghĩ tới việc sắp được gặp bố mẹ, anh chị em mình.Hai ngày trước, chị Ngát hồi hộp cùng chồng và hai con lên máy bay trở về thăm Việt Nam, theo chương trình bảo trợ của Đại sứ quán Hàn Quốc, nhóm cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc. Cũng như chị, đây là lần trở về quê hương đầu tiên của hầu hết các cô dâu Việt sau nhiều năm lấy chồng xa xứ.

Lúi húi cho hai cô con gái, một lên 5, một lên 4 ăn tối, chị Ngát vui vẻ tâm sự với VnExpress.net rằng chị được "chọn" trong một cuộc tuyển vợ cho đàn ông Hàn cách đây hơn 5 năm. Hồi đó, gia đình chị cũng phản đối vì lo cho con gái một thân một mình nơi đất khách quê người, nhưng chị vẫn quyết tâm theo chồng.

"Thật ra, hồi mới sang mình cũng thấy ân hận lắm. Cuộc sống không như mình nghĩ. Chồng cũng chỉ làm nghề lắp đặt điện nước, thu nhập trung bình thôi. Mình chỉ biết vài tiếng Hàn bập bõm, chẳng đủ để nói chuyện với anh ấy hay gia đình chồng. Mình từng khóc rất nhiều vì buồn, vì tủi, vì thất vọng và nhớ gia đình. Nhưng sau đó, mình cũng cố học tiếng để nói với chồng, và từ khi có con thì gia đình cũng ấm áp hơn nhiều", chị Ngát chia sẻ.

Ảnh: da
Cặp vợ Việt - chồng Hàn cùng cô con gái 3 tuổi trong buổi tiệc hội ngộ của các cô dâu Việt về thăm quê hương. Ảnh: MT.

Ông xã của chị là một người đàn ông hơn 40 tuổi, dáng người thấp đậm. Cả buổi tiệc, anh không ngồi cạnh vợ hay chăm cho con ăn như một số ông bố Hàn khác mà thường chỉ nói chuyện với mấy người đàn ông cùng nước. Vì thế, nhìn họ không mấy ai biết đó là một cặp vợ chồng.

Theo lời chị Ngát, chồng chị ít khi quan tâm đến hai cô con gái. Lấy chồng xong, chị ở nhà nội trợ, lo chăm sóc các con. Thường, mỗi tháng, anh để một số tiền nhất định vào "cuốn sổ gia đình" cho vợ chi tiêu. Mỗi khi chị cần mua sắm gì thì cứ tự nhiên lấy nhưng phải thông báo cho chồng biết.

"Ông ấy vẫn bảo mình là sướng nhất vì toàn được chồng mua mỹ phẩm về cho làm đẹp, mình cũng không có gì phải phàn nàn về cuộc sống ở nhà chồng", chị Ngát thổ lộ.

Sống ở một tỉnh cách Seoul hơn 200 km, chị Hồi (Tứ Kỳ, Hải Dương) có vẻ dè dặt khi nói về cuộc sống của mình. Người phụ nữ 30 tuổi có dáng người nhỏ nhắn, gương mặt trắng trẻo thường quay đi mỗi khi có ai đó muốn hỏi chuyện hay chụp hình. Bên cạnh chị, ông xã người Hàn Quốc tỏ ra rất chiều chuộng, chăm bẵm cô con gái 3 tuổi, liên tục lấy khăn lau miệng rồi rót nước cho con uống hay đút thức ăn cho bé.

Chị Hồi ngồi cạnh con, thỉnh thoảng quay sang nói vài câu tiếng Hàn với chồng hay tiếp thức ăn cho anh, trong khi người chồng tỏ vẻ khá thờ ơ.

Chị Hồi cho biết, chồng chị đã 45 tuổi, là con út trong gia đình có 4 anh chị em. Anh là sĩ quan hải quân, làm ở khá gần nhà nên sáng đi tối về. Vợ chồng chị sống chung với bố mẹ chồng trên 80 tuổi. Hằng ngày, công việc của chị là nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc cô con gái nhỏ và bố mẹ chồng. Buổi chiều, hai vợ chồng chị thường chở nhau đi chợ và về nấu ăn.

Hầu hết các cô dâu Việt ở Hàn Quốc đều ở nhà nội trợ và đẻ liền hai con. Ảnh: MT.

"Sống ở đó hơn 3 năm mà mình không thể quen các món ăn Hàn, món nào cũng cay xè, chả có gì ngon. Thỉnh thoảng, thèm món ăn Việt quá mình mua đồ về nấu, nhưng cũng chỉ ăn một mình vì chồng và bố mẹ chồng bảo không ngon nên họ không ăn", chị Hồi kể.

Chị cho biết, từ khi đi lấy chồng, mỗi tuần chị vẫn phải đi học thêm tiếng Hàn hai buổi để có thể giao tiếp trôi chảy với mọi người trong gia đình. Còn việc nấu nướng, chồng chị thường xuyên xem sách báo dạy nấu ăn và chỉ cho vợ cách làm, vì anh cũng không giỏi "món" này.

Cũng như chị Hồi, chị Ngát, hầu hết phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn xong thường ở nhà nội trợ. Theo lời họ kể, các ông chồng người Hàn thường đi làm rồi đưa tiền cho vợ chi tiêu trong gia đình và không mấy khi đụng đến việc nhà. Cũng rất ít bà vợ Việt biết được chồng kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng.

Là một trong số ít người đi làm sau khi kết hôn với chồng Hàn, chị Lý (quê Kim Thành, Hải Dương) cho biết, cả hai vợ chồng chị đều là công nhân, anh làm về cơ khí, còn chị chuyên lắp chip cho một công ty điện tử. Hằng ngày, chồng đi làm 8 tiếng rồi về nhà nghỉ ngơi. Còn chị chỉ xin làm 5 tiếng rồi về đón hai con, một 5 tuổi, một 4 tuổi ở nhà trẻ và lo toàn bộ việc nhà.

Khi có người khen ông xã chu đáo vì thấy anh đang bón cho cô con gái 4 tuổi ăn, chị cười buồn: "Hôm nay thì thế thôi, vì mình say xe, mệt quá nên mặc kệ, chứ bình thường, 'nó' bảo việc nhà với việc chăm con không phải là của nó".

Khi nhắc tới vụ việc một cô dâu Việt ở Hàn Quốc mới đây bị chồng sát hại, mặt chị buồn hẳn. Chị nói mình biết tin này khi xem TV và thấy rất đau lòng. "Mình thì chưa bị đánh bao giờ nhưng nghe kể cũng có những chị em bị bố mẹ chồng ghét, xui chồng bỏ rồi đánh đập tàn nhẫn lắm, mình cũng chưa nhìn thấy đâu. Còn mình á, 'nó' mà dám đánh mình thì mình bỏ về ngay chứ sợ gì", chị nói rồi chùng giọng ngay: "Nói thế chứ, muốn về cũng khó lắm, lại tốn kém".

Theo Đại sứ Hàn Quốc Park Suk Hwan, 8 cặp Việt - Hàn về thăm quê lần này đều là những gia đình khá hạnh phúc, êm ấm. Ông cho biết, ở Hàn Quốc, con gái đi lấy chồng mà muốn về thăm bố mẹ cũng không dễ, vì thế, việc trở về lần này của các cô gái Việt Nam lấy chồng nước ngoài có ý nghĩa rất lớn. Đó là dịp để họ đoàn tụ với những người ruột thịt ở quê hương, cũng là cơ hội để chồng họ được tiếp xúc với gia quyến, cũng như hiểu thêm về văn hóa gia đình, đất nước vợ.

Ông bày tỏ, sau cái chết thương tâm của cô dâu Thạch Ngọc mới đây trên đất Hàn, tóc ông đã bạc thêm rất nhiều. "Không chỉ các gia đình đa văn hóa, mà ở những gia đình kết hôn trong nước thì không phải đôi nào cũng hạnh phúc. Hơn nữa, các cuộc hôn nhân quốc tế thường có nhiều rào cản hơn, bao gồm sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa... nên càng cần sự giúp đỡ để giảm bớt sự bất hạnh", ông Park Suk Hwan nói.

Ông cho biết, hiện Hàn Quốc có khoảng gần 4.000 cô dâu người Việt, và những người này được coi là "máu thịt" của dân tộc Hàn vì họ đã sinh ra các thế hệ tương lai cho Hàn Quốc nên chính phủ sẽ cố gắng để đảm bảo quyền lợi cho họ. Tuy vậy, "chính phủ cũng không thể đi sâu tìm hiểu xem gia đình này có hạnh phúc hay không để biết giúp đỡ họ", ông nói.

"Cũng như nhiều phụ nữ Việt Nam muốn lấy chồng Hàn Quốc, ở Hàn Quốc cũng từng có rất nhiều cô gái muốn lấy chồng Mỹ, Âu với ước vọng có một cuộc sống xa hoa. Tôi chỉ muốn nói với các bạn rằng không nơi nào trên thế giới này là dễ sống cả, ở đâu con người chúng ta cũng phải vật lộn mưu sinh. Vì thế, trước khi lấy chồng Hàn Quốc, hãy tìm hiểu kỹ người bạn đời tương lai của mình cũng như về văn hóa, nếp sống của gia đình, đất nước họ", ngài đại sứ nhắn gửi tới những cô gái đang ôm ấp giấc mộng lấy chồng Hàn.

Vương Linh


Newer news items:
Older news items:

 

Tin tức xem nhiều

Thông tin cần biết



Hồ sơ

Ý kiến - Hỏi đáp


Video Clip

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

PLAYLIST 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7

Khách trực tuyến

Hiện có 13 khách Trực tuyến