Cử tri: Ứng viên cần làm hiệu quả và giữ lời hứa PDF. In Email
Giới thiệu chung
Thứ năm, 05 Tháng 5 2011 00:41
Đứng trên nghị trường với tư thế người đại diện nhân dân thì phải lấy ý chí của dân ra mà nói, quyết cái gì cũng nên lấy quyền lợi của dân ra mà nghĩ suy.

Đó là lời nhắn nhủ chân thành của cử tri đối với các ứng cử viên (ƯCV) đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII của TP.HCM tại các buổi tiếp xúc cử tri (TXCT) ngày 4-5. Trình bày chương trình hành động của mình tại các buổi tiếp xúc, hầu hết các ƯCV đều cam kết sẽ sâu sát lắng nghe ý kiến nhân dân, gắn bó chặt chẽ với nhân dân để thực sự trở thành người đại biểu nhân dân, đem các tiếng nói bức xúc của cử tri đến nghị trường…

Nói ít, làm nhiều và làm hiệu quả

Tại buổi TXCT ở quận 5 của các ƯCV thuộc đơn vị bầu cử số 4, cử tri Nguyễn Vĩnh Xuyên đề đạt nguyện vọng: “Chúng tôi mong muốn các đồng chí làm nhiều, nói ít, làm hiệu quả nhất. Chúng tôi cũng mong muốn các đồng chí vì dân, lắng nghe dân nói, dám trình bày tường tận các bức xúc, nguyện vọng của người dân”.

Đáp lại lòng mong mỏi của cử tri, ƯCV Lê Thanh Hải (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy) cho biết nếu trúng cử ĐBQH, ông sẽ thường xuyên tiếp xúc và lắng nghe ý kiến cử tri theo nhiều hình thức, dành nhiều thời gian đi thực tế để nắm bắt thực tiễn cuộc sống hằng ngày của người dân để đưa những ý kiến của cử tri tới nghị trường. Ngoài ra, ông cũng sẽ kiến nghị QH ban hành luật về đô thị và cho phép TP được thực hiện mô hình chính quyền đô thị phù hợp với quy mô và đặc điểm của TP…

Tại buổi TXCT ở quận 7, luật sư Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN, Ủy viên BCH Hội Luật gia TP.HCM) hứa nếu đắc cử, trung bình mỗi tháng một lần ông sẽ kết hợp TXCT với tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân. Tương tự, ông Lê Kiên Thành (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chế biến thực phẩm Thái Minh) cũng nói sẽ tổ chức một địa điểm làm nơi TXCT để gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân nhằm thực hiện tốt chức năng của ĐBQH.

Bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM (bìa trái), ứng cử viên ĐBQH khóa XIII, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri bên lề hội nghị. Ảnh: ĐÌNH VÂN

Còn tại buổi TXCT quận 12, bà Ung Thị Xuân Hương (Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP) nhấn mạnh tới việc gương mẫu, tích cực tham gia công tác phòng, chống tham nhũng, kịp thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị góp phần từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng tiêu cực. “Nếu trở thành ĐBQH, tôi sẽ tham gia có hiệu quả vào hoạt động lập pháp của QH nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, góp phần làm cho hệ thống văn bản pháp luật mang tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất và khả thi cao; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” - bà Hương cam kết.

Thực hiện lời hứa nếu đắc cử

TXCT ở quận Tân Bình, bà Võ Thị Dung (Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP) trăn trở nhiều về vấn đề công bằng xã hội, kéo khoảng cách giàu nghèo trong xã hội gần lại. “Tôi sẽ góp thêm tiếng nói để làm sao trong quá trình phát triển đất nước đảm bảo sự hài hòa, công bằng, để mọi người dân đều thụ hưởng được thành quả phát triển” - bà Dung nói.

Với kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt động khoa học, ông Nguyễn Bách Phúc (Chủ tịch Hội Tư vấn khoa học công nghệ và quản lý TP.HCM), một trong bốn vị tự ứng cử ở TP, cho biết sẽ tập trung chương trình hành động của mình vào vấn đề mở rộng hành lang pháp lý cho khoa học phát triển. “Khoa học hiện nay chưa thực sự trở thành động lực để phát triển nền kinh tế - sản xuất của quốc gia. Hành lang pháp lý cũng chưa đủ để khơi bật sức phát triển của khoa học” - ông Phúc nhấn mạnh.

Còn ông Đỗ Văn Đương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kiểm sát thuộc VKSND Tối cao, người được Trung ương giới thiệu ứng cử tại TP.HCM, thì đi sâu vào vấn đề xây dựng luật và giám sát việc thực thi pháp luật. “Luật pháp phải vì con người. Xây dựng luật phải thấm sâu tư tưởng dân chủ, công bằng để người dân có thể phát huy hết năng lực của mình góp phần vào sự đi lên của đất nước, xã hội” - ông Đương nói và cho biết sẽ dành nhiều thời gian cho công tác giám sát việc thực thi pháp luật đảm bảo tính công bằng trong xét xử, tránh tối đa oan sai.

Trong khi đó, TXCT quận 6, ông Huỳnh Thành Lập (Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP) cho hay nếu tái đắc cử, ông sẽ đề nghị QH ban hành Luật Tiếp cận thông tin để người dân được biết những thông tin quan trọng của đất nước, địa phương. Qua đó, người dân sẽ giám sát được các vấn đề quan trọng của đất nước. Ông Lập cũng cam kết sẽ không tham nhũng và không bao che cho tham nhũng.

Trước những lời hứa của ƯCV, cử tri mong rằng những lời hứa ấy sẽ được nhớ và thực hiện khi họ là đại biểu. “Đừng làm ông nghị gật, hay kiểu gió chiều nào thì nhào theo chiều ấy, không có chính kiến khi biểu quyết thông qua các quyết sách. Đứng trên nghị trường với tư thế người đại diện nhân dân thì phải lấy ý chí của dân ra mà nói, quyết cái gì cũng nên lấy quyền lợi của dân ra mà nghĩ suy” - cử tri Phùng Tặng (quận Tân Bình) nhắn nhủ.

Theo phapluattp

Cho dù có trở thành ĐBQH khóa này hay không, các ƯCV cũng sẽ quan tâm, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng của cử tri trong phạm vi nghề nghiệp, chức vụ quản lý của mình.

Bà UNG THỊ XUÂN HƯƠNG, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM

Chất vấn và trả lời

Tại buổi TXCT ở quận 6, cử tri Trần Xuân Phi đã chất vấn đối với từng ƯCV những vấn đề rất cụ thể. Đối với ông Huỳnh Thành Lập, ƯCV tái cử, ông Phi hỏi: “TP có nhiều vụ tham nhũng lớn, trong đó nổi cộm là vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ thì ông đã có ý kiến gì ở QH khóa rồi?”.

Trả lời, ông Huỳnh Thành Lập cho biết với vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ, bản thân ông với tư cách ĐBQH của TP đã trực tiếp chất vấn ở tổ, ở nghị trường QH để cuối cùng Chính phủ có báo cáo cụ thể. Tuy nhiên, để khởi tố được người nào thì cần phải có chứng cứ cụ thể, trong khi đó hầu hết chứng cứ trong vụ án này là do phía Nhật cung cấp nên công tác điều tra cần phải kéo dài…


Newer news items:
Older news items:

 

Tin tức xem nhiều

Thông tin cần biết



Hồ sơ

Ý kiến - Hỏi đáp


Video Clip

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

PLAYLIST 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7

Khách trực tuyến

Hiện có 5 khách Trực tuyến