Bình đẳng giới khi người phụ nữ “tham chính” PDF. In Email
Giới thiệu chung
Thứ tư, 04 Tháng 5 2011 00:15

“Hãy ủng hộ những phụ nữ ưu tú tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016”. Đó chính là khẩu hiệu vừa được đưa ra trong buổi tọa đàm do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ tổ chức tại Hà Nội nhằm nâng cao vai trò, vị trí của người phụ nữ trong khi tham gia các công việc chính trị.

Nữ Đại biểu Quốc hội dự kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XII. Ảnh: Trí Dũng

 

Phụ nữ có quyền tham gia ứng cử và bầu cử Quốc hội

Ngày 19-11-1946, tại buổi biểu quyết thông qua Bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu: “Bản Hiến pháp tuyên bố với thế giới, nước Việt Nam đã độc lập, dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do…, người phụ nữ Việt Nam đã được ngang hàng với đàn ông để hưởng chung mọi quyền tự do đó của một công dân”.

Để tiếp tục chăm lo cho sự phát triển của phụ nữ, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách, ban hành nhiều văn bản  pháp luật để tạo điều kiện cho người phụ nữ tham gia trực tiếp vào lĩnh vực chính trị, trong đó có việc tham gia vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cho biết: 3 chỉ tiêu trong chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 gồm: Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2011-2016 từ 30% trở lên và nhiệm kỳ 2016-2021 hơn 35% các cấp ủy viên là nữ; Phấn đấu đến năm 2015 đạt 80% và đến năm 2020 đạt hơn 95% tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ (cán bộ chủ chốt là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu-NV). Phấn đấu đến năm 2015 đạt 70% số cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ và đến năm 2020 trong tất cả các cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Theo số liệu thống kê, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đã tăng hơn 20% từ khóa I (2,5%) đến khóa XII (25,7%), trong đó có 6/12 khóa có tỷ lệ nữ Đại biểu Quốc hội là 25% trở lên. Tỷ lệ nữ  đại biểu Quốc hội qua 5 nhiệm kỳ gần đây chưa ổn định, tăng dần trong 4 nhiệm kỳ, từ khóa VIII đến khóa XI các đại biểu nữ có tỷ lệ tương ứng là: 17,74%; 18,48%; 26,2%; 27,3% nhưng giảm xuống 25,76% tại nhiệm kỳ 2007-2011. Trong khi đó, tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân ở 3 cấp đều có chiều hướng tăng.

Từng bước xóa bỏ rào cản “trọng nam-khinh nữ”

Một thực tế tại Việt Nam là ý thức hệ phong kiến “trọng nam-khinh nữ” vẫn còn tồn tại trong một số bộ phận không nhỏ người dân. Chính vì thế, hệ quả tất yếu đã và đang trở thành rào cản trong vấn đề bình đẳng giới là khi người phụ nữ tham gia vào lĩnh vực chính trị thường gặp rất nhiều khó khăn. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ tịch thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng: “Hiện nay, có chị em phụ nữ chưa trực tiếp thực hiện quyền của mình khi đi bầu cử, mà ủy quyền cho người thân trong gia đình đi bỏ phiếu. Rồi có trường hợp, nhiều người khi nhìn danh sách đại biểu mà là nữ thì cho rằng, phụ nữ làm chính trị vất vả nên gạch tên đi…”. Suy nghĩ người phụ nữ nên ở nhà, hay làm những công việc bình thường để chăm lo cho gia đình làm giảm đi tính chủ động của người phụ nữ khi họ đặt chân vào lĩnh vực chính trị. Ngoài ra, một số quy định khác biệt giữa nam và nữ như tuổi nghỉ hưu, tuổi đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch đã hạn chế sự tham gia của chị em phụ nữ trong tham gia quản lý, lãnh đạo.

Nhằm mục đích tăng cường tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các hoạt động chính trị góp phần từng bước giảm dần bất bình đẳng giới, Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã  triển khai nhiều giải pháp để vận động cho chị em phụ nữ trực tiếp đi bầu cử; vận động phụ nữ bầu cho phụ nữ vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Cùng với các cuộc vận động này tuyên truyền rộng rãi trong các cấp hội về ý nghĩa quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, tuyên truyền trong toàn xã hội nhằm thay đổi nhận thức của người dân để xóa bỏ tư tưởng “trọng nam-khinh nữ”. Chỉ có làm được điều đó thì phụ nữ mới thực sự có thể “tham chính” theo đúng nghĩa là “bình đẳng giới”.

Theo qdnd.vn


Newer news items:
Older news items:

 

Tin tức xem nhiều

Thông tin cần biết



Hồ sơ

Ý kiến - Hỏi đáp


Video Clip

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

PLAYLIST 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7

Khách trực tuyến

Hiện có 8 khách Trực tuyến