Năm nay sẽ không phải cắt điện luân phiên? PDF. In Email
Giới thiệu chung
Thứ sáu, 29 Tháng 4 2011 05:14

Hằng năm, cứ tới mùa hè mối lo về cung ứng điện lại “nóng” hầm hập. Nhưng năm nay, dự báo tình hình sẽ “dịu” hơn. Lý do là tốc độ tăng trưởng phụ tải không cao như dự báo, nguồn cung điện đã tăng lên, cùng với đó  ý thức tiết kiệm điện đã tốt hơn trước. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhận định, nếu các yếu tố tiếp tục thuận lợi và cân đối khéo thì nhiều khả năng năm nay sẽ không phải cắt điện luân phiên.

Hai tổ máy của Nhà máy thủy điện Sơn La hòa lưới đã cung cấp cho hệ thống điện quốc gia thêm 800MW

 

Tăng trưởng tiêu dùng điện giảm, nguồn cung tăng

Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN cho biết, với tình hình hiện nay, điện năm 2011 có thể không căng thẳng như năm 2010. Trong tháng 4-2011 cả nước đã không phải tiết giảm phụ tải điện. Có nhiều lý do, trong đó quan trọng là thời tiết mát mẻ hơn, tăng tiêu dùng điện thấp hơn 2010. Trong 3 tháng đầu năm, nhu cầu dùng điện chỉ tăng trung bình khoảng 10% (trong khi theo dự báo năm nay nhu cầu điện sẽ tăng trung bình 15%). Giá điện tăng khiến tốc độ tăng tiêu dùng điện sinh hoạt cũng chậm lại, chỉ khoảng 5%. Đó là tín hiệu cho thấy người tiêu dùng giảm dùng điện. Một lý do quan trọng khác khiến tình hình cung ứng điện năm 2011 bớt căng thẳng là một số nhà máy điện giá rẻ như thủy điện, nhiệt điện chạy than đã vào kịp tiến độ. Thủy điện Sơn La đã đóng góp thêm cho lưới điện quốc gia tổ máy 2 (công suất 400MW). Như vậy, hai tổ máy của nhà máy này có thể cung cấp tới 800MW. Hiện mực nước ở hồ chứa Sơn La cho phép chạy hết công suất hai tổ máy. Cùng thời gian trên còn có tổ máy 1 Thủy điện An Khê-Ka Năk (80MW) được hòa lưới. Trước đó,  trong quý I, EVN đã đưa vào vận hành 3 tổ máy phát điện mới với tổng công suất 515MW là tổ máy 2 Thủy điện Sông Tranh 2 (95MW), tổ máy 1 Thủy điện Đồng Nai 3 (90MW) và Nhiệt điện Uông Bí 2 (330MW). Như vậy, từ đầu năm tới nay toàn hệ thống điện đã có thêm 1395 MW.

Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cũng nhận định: Lưu lượng nước về các hồ thủy điện khả quan hơn dự kiến. Sản lượng điện phát của các nhà máy thủy điện từ tháng 4 đến tháng 6 được dự báo sẽ tăng thêm khoảng 700 triệu kWh so với kế hoạch đầu năm. Đồng thời, một số tổ máy phát điện lớn gặp sự cố đã phát điện trở lại như nhiệt điện BOT Phú Mỹ 3, Ô Môn 1, Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Cẩm Phả... Kể từ tháng 4, nhập khẩu điện từ Trung Quốc dự kiến tăng thêm khoảng 100 triệu kWh/tháng. Nhờ vậy, nguồn cung đã được cải thiện đáng kể.

Trong các tháng cao điểm tháng 5 và 6 tới, nếu không có các diễn biến bất thường như sự cố các nhà máy điện, hoặc nhu cầu điện tăng cao đột biến (khoảng 14-15%), thì EVN vẫn bảo đảm cân đối đủ cung-cầu điện, không phải cắt điện luân phiên trong mùa khô.

Ý thức tiết kiệm điện đã tốt hơn

Hiện nay, sự đồng thuận của toàn xã hội trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hợp lý đã góp phần làm giảm “cầu”, khiến việc cung ứng điện năm nay bớt căng thẳng hơn so với mọi năm.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết: “Qua kiểm tra, chúng tôi thấy nhiều doanh nghiệp đã áp dụng công nghệ mới để giảm tiêu hao điện năng, cho hiệu quả kinh tế rõ rệt”.

Với khu vực sử dụng điện sinh hoạt, ông Tuấn nhận xét, các hộ dân cũng đã tăng ý thức tiết kiệm điện như tắt bớt bóng đèn không sử dụng, hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm. Khu vực chiếu sáng công cộng đã thực hiện cắt điện theo giờ, giảm bớt số đèn biển hiệu quảng cáo, các tụ điểm vui chơi... Trên địa bàn thành phố Hà Nội, sản lượng điện trung bình ngày khoảng 27 triệu kWh, tăng 7-8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi dự báo ban đầu phụ tải phải tăng khoảng 12%. Đặc biệt, khu vực sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng phụ tải thấp hơn so dự báo.

Đại tá Phạm Đình Cường, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy, Phó giám đốc Nhà máy Z127 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) cho biết lĩnh vực sản xuất chính của nhà máy là đúc và luyện kim, nên mỗi tháng “ngốn” hết khoảng từ 700 đến 900 triệu tiền điện. Thời gian gần đây, hưởng ứng chủ trương tiết kiệm điện, nhà máy đã đề ra nhiều giải pháp như: Khoán định mức điện cho các phân xưởng, nếu phân xưởng nào tiết kiệm được sẽ thưởng; tập trung sản xuất vào các giờ thấp điểm (ca 3 từ 23 giờ 30 phút đến 7 giờ 30 phút) và ngày Chủ nhật để hưởng mức giá điện thấp; nghiên cứu quy trình sản xuất để tận dụng được lượng nhiệt trong lò luyện… Nhờ vậy, lượng tiêu thụ điện của nhà máy đã giảm khoảng 30% so với trước.

Ở Nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), Thượng tá Hà Hữu Hùng, Trưởng phòng Kỹ thuật cơ điện cho hay, tiền điện trung bình của nhà máy là khoảng một tỷ đồng. Thời gian vừa qua, nhà máy đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp tiết kiệm như làm ca 3, đưa các công nghệ tiết kiệm vào sản xuất, giám sát chặt chẽ việc sử dụng điện… Hiện nay toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng bằng sợi đốt của nhà máy đã được thay thế bằng đèn compact. Tổng thể các giải pháp giúp cho nhà máy tiết kiệm được khoảng 20% điện năng.

Với Nhà máy Z176 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), cách tiết kiệm điện đã được làm bài bản từ khi đầu tư máy móc. Đại tá Nguyễn Xuân Khải, Giám đốc Nhà máy cho biết, dây chuyền, máy móc sản xuất của nhà máy đều theo công nghệ mới, tiết kiệm điện. Ví dụ, nhà máy sử dụng động cơ biến tần cho tất cả các máy dệt. Thêm vào đó, các máy kéo sợi sử dụng hệ thống gia nhiệt bằng hồng ngoại thay vì dây điện trở như trước đây… Nhờ thế, điện năng ít bị tiêu hao, sử dụng rất hiệu quả.

Theo thống kê của EVN, trong quý I vừa qua, điện cho công nghiệp và xây dựng tăng 15,93%, thương mại-dịch vụ tăng 8,13%, quản lý và tiêu dùng dân cư tăng 8,14%, trong khi tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) là 5,43%, GDP khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 5,47%. Như vậy, hệ số đàn hồi tuy đã tốt hơn trước, nhưng vẫn còn cao, tức là việc sử dụng điện của nền kinh tế và xã hội của chúng ta vẫn còn lãng phí.

Có một thực tế là các công nghệ mới, tiết kiệm điện đòi hỏi số tiền đầu tư ban đầu khá cao mà tuổi thọ lại chưa được kiểm chứng trên thực tế, vì vậy các doanh nghiệp còn e dè trong việc thay thế. Đại tá Nguyễn Xuân Khải, Giám đốc Nhà máy Z176 tính rằng, để chiếu sáng cho hệ thống xưởng may, nếu sử dụng đèn nê-ông chỉ hết khoảng 30 triệu đồng, nhưng nếu sử dụng hệ thống đèn LED thì hết đến 150 triệu đồng. Vì thế, phải những doanh nghiệp thực sự coi sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả là việc sống còn mới mạnh dạn đầu tư các công nghệ mới.

Theo qdnd.vn


Newer news items:
Older news items:

 

Tin tức xem nhiều

Thông tin cần biết



Hồ sơ

Ý kiến - Hỏi đáp


Video Clip

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

PLAYLIST 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7

Khách trực tuyến

Hiện có 9 khách Trực tuyến