Chưa tăng giá điện theo thị trường từ ngày 1-6 PDF. In Email
Giới thiệu chung
Thứ bảy, 23 Tháng 4 2011 10:20
Giá điện sẽ được điều chỉnh trên cơ sở quyết định của Bộ Công Thương và tham khảo Bộ Tài chính chứ không tham khảo các tổ chức đại diện cho người dùng điện.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng và đại diện Tập đoàn Điện lực VN (EVN) tại buổi họp báo chiều 22-4 xung quanh Quyết định 24 của Thủ tướng về điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường từ ngày 1-6.

Ông Hoàng Quốc Vượng lý giải: “Hiện tại chúng ta chưa đủ cơ sở để khẳng định chắc chắn giá điện từ ngày 1-6 có được điều chỉnh theo Quyết định 24 hay không. Bởi để thực hiện được điều này, phải phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản. Một là dựa vào ba thông số đầu vào tính giá điện (tỉ giá, nguyên liệu và cơ cấu phát điện); hai là Bộ Công Thương chịu trách nhiệm thẩm định và xem xét giá bán điện có ảnh hưởng lớn đến xã hội, đến ổn định kinh tế vĩ mô hay không”.

Được tự quyết tăng giá điện

Ông Vượng cho hay Bộ Công Thương đang phối hợp với Bộ Tài chính soạn thảo thông tư hướng dẫn tính toán giá bán điện theo ba thông số đầu vào nêu trên, hướng dẫn chi tiết các nhóm đối tượng bán điện. Hai văn bản này sẽ được ban hành trong tháng 5 tới. Dự kiến cách tính các thông số đầu vào sẽ dựa trên các số liệu trong quá khứ, nhất là giá điện mới từ ngày 1-3. “Theo dõi tháng 4-5-6, nếu các thông số đầu vào thay đổi nhiều hơn 5% giá bình quân của tháng 3 thì Bộ Công Thương sẽ xem xét có điều chỉnh giá điện hay không” - ông Vượng nói.

Thi công một dự án điện tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Trả lời câu hỏi Bộ Công Thương có lấy ý kiến các bên liên quan như Hội Bảo vệ người tiêu dùng hay các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khi xem xét tăng giá điện hay không, ông Vượng cho hay: Theo Quyết định 24, EVN có quyền tự điều chỉnh giá bán điện bình quân trong trường hợp giá đầu vào biến đổi lớn. Giá điện sẽ được điều chỉnh trên cơ sở quyết định của Bộ Công Thương và tham khảo Bộ Tài chính chứ không tham khảo các tổ chức xã hội khác.

Liên quan đến quỹ bình ổn giá điện, bà Nguyễn Thanh Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho biết quỹ bình ổn giá điện sẽ được hình thành từ chi phí giá bán điện. Tuy nhiên, trong khi ngành điện đang treo tất cả chi phí khác, quỹ này trong thời gian trước mắt sẽ chưa thể đưa vào giá bán điện. Khi nào xử lý hết các khoản treo của EVN thì mới tính quỹ bình ổn vào chi phí của giá bán điện.

Còn độc quyền thì không thể cạnh tranh

Về đề án thí điểm vận hành thị trường phát điện cạnh tranh từ ngày 1-7, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết đến thời điểm này, các thủ tục và quy định về phát điện cạnh tranh đang gấp rút hoàn tất. Nhất định từ ngày 1-7, Việt Nam sẽ vận hành thí điểm thị trường phát điện này.

8.000 tỉ đồng là khoản lỗ của EVN cho tới thời điểm này, theo Phó Tổng Giám đốc EVN Đinh Quang Tri. Trong đó, nợ Tập đoàn Dầu khí 5.000 tỉ đồng và nợ Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam 1.600 tỉ đồng.

Việc thị trường hóa phát điện cạnh tranh sẽ được tiến hành qua ba giai đoạn: 2011-2014 tiến hành thị trường phát điện cạnh tranh; 2015-2020, thị trường bán buôn cạnh tranh và giai đoạn sau năm 2020 sẽ là bán lẻ điện cạnh tranh. “Nếu thực hiện đến công đoạn bán lẻ cạnh tranh thì từ năm 2022, những người mua điện có thể chọn người bán điện cho mình” - ông Cường nói.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi, cạnh tranh là phải trăm người bán, vạn người mua. Không ai gọi thị trường cạnh tranh là một người bán và hàng triệu người mua. “Do đó, muốn thị trường điện minh bạch và có tính cạnh tranh cao thì phải loại bỏ việc độc quyền, tách bạch các khâu từ cung ứng đến cấp phát. Không nên chỉ có một công ty mua bán điện như hiện nay mà phải có nhiều nơi mua và nhiều nơi bán, Nhà nước chỉ quản lý khâu truyền tải và khâu điều độ điện quốc gia” - ông Ngãi nêu ý kiến.

Ông Ngãi lý giải thêm, thị phần EVN hiện nay còn quá lớn so với các nhà đầu tư khác trong vấn đề phát điện (chiếm 60%). “Bản chất của thị trường cạnh tranh chỉ có được khi yếu tố cung nhiều hơn yếu tố cầu. Như vậy, xét cho cùng cung-cầu của thị trường điện hiện chưa phù hợp với cơ chế cạnh tranh. Thị trường cạnh tranh chỉ có ý nghĩa khi cung vượt cầu ở một tỉ lệ nhất định, có như vậy mới khống chế được những nhà máy không vận hành tốt và giá phát điện cao” - ông Ngãi nhấn mạnh.

Theo phapluattp

Có hay không việc ép giá?

Thời gian gần đây, ở Tây Nguyên có nhiều nhà máy thủy điện ngoài EVN không được mua hết công suất để phát lên lưới, trong khi EVN lại ưu tiên cho các nhà máy của mình. Thậm chí, nhiều nhà máy thủy điện nhỏ bị ép giá bán thấp hơn gấp đôi giá mà các doanh nghiệp của EVN bán ra cho EVN. Trả lời về thực trạng trên, đại diện EVN cho rằng hiện nay các nhà máy điện nhỏ phát triển tràn lan không theo quy hoạch và hệ thống đường dây đấu nối đến lưới điện quốc gia của các nhà máy điện nhỏ chưa đảm bảo. Vì thế, họ đã thông qua các tỉnh để ép các công ty điện lực địa phương phải đầu tư đường dây đến tận nhà máy của họ. Đây là vấn đề mâu thuẫn chồng chéo, EVN đề nghị Bộ Công Thương phải phân chia rõ trách nhiệm của từng bên để thuận tiện trong việc tính giá thành mua bán điện.


Newer news items:
Older news items:

 

Tin tức xem nhiều

Thông tin cần biết



Hồ sơ

Ý kiến - Hỏi đáp


Video Clip

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

PLAYLIST 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7

Khách trực tuyến

Hiện có 6 khách Trực tuyến