Dân công sở 'thắt lưng buộc bụng' vì bão giá PDF. In Email
Giới thiệu chung
Thứ hai, 28 Tháng 2 2011 07:40
"Trước mấy ông bạn thường tụ tập cafe rồi mới vào làm, tan giờ thỉnh thoảng lại đi nhậu. Gần đây ai cũng "cáo bận" không tụ tập được, thích cafe tôi phải mang đến cơ quan nhờ chị cùng phòng pha hộ", anh Minh chia sẻ.

Cơn sốt giá lặp đi lặp lại không chỉ ám ảnh sinh viên và người lao động có thu nhập thấp, dân công sở cũng phải tính toán lại thu chi để tránh "vung tay quá trán".

Hãi hùng giá cơm văn phòng

Trước đây, giá mỗi suất cơm trưa văn phòng ở Hà Nội phổ biến ở mức 20.000 đồng, có nơi giá mềm hơn chỉ 12.000-15.000 đồng. Những tiệm cơm văn phòng sang trọng với máy lạnh, nước uống miễn phí, rất thích hợp cho việc mời đối tác ăn trưa kết hợp bàn công việc, cũng chỉ bán với giá 30.000-35.000 đồng một suất.

Nhưng nay, gas, gạo, thực phẩm đến tiền dịch vụ đều leo thang nên mỗi suất cơm trưa được các nhà hàng, quán ăn đồng loạt tăng thêm 5.000-15.000 đồng.

Mang cơm trưa đến văn phòng là cách "đối phó" khi cơm hàng không ngừng tăng giá (Nguồn ảnh: Internet)

Lâu lâu không ăn cơm văn phòng tại cơ quan, chị Nga… suýt "ngất xỉu" khi trả tiền cơm. Vẫn nghĩ một suất ít cơm, ít thức ăn như bình thường chỉ có giá 25.000 đồng/suất, ai ngờ, chủ quán “hét” giá 40.000 đồng/suất.

 “Trả tiền xong mà tôi không tin nổi một suất cơm “sơ sài” thế mà có cái giá trên trời đó. Hỏi chủ quán việc tăng giá, thì được câu trả lời: thứ gì cũng tăng nên cơm tăng giá là chuyện đương nhiên. Vẫn biết mọi thứ đều đắt đỏ, nhưng suất cơm này cũng không thể có cái giá đó", chị Nga giãi bày.

Nếu như trước đây, tiền cơm trưa chỉ chiếm một khoản nhỏ trong thu nhập của chị em văn phòng và thường không "đáng phải lăn tăn". Nhưng nay, khoản nhỏ đã phình to, buộc không ít người phải đau đầu nghĩ cách “buộc bụng”.

Chuẩn bị cơm hộp ở nhà rồi mang theo đến văn phòng đang là lựa chọn số một của đa số dân văn phòng khi không chịu nổi giá cơm hàng leo thang.

Chị Giang, nhân viên công ty truyền thông trên phố Mai Hắc Đế chia sẻ: "Tính sơ sơ một tháng, tiền ăn trưa của mình cũng mất đến một triệu đồng. Lương không tăng mà phải lo bao nhiêu thứ từ xăng xe, điện nước đến mua sữa cho con, cái gì cũng đòi tăng giá. Thôi thì cố chắt bóp".

Để tiết kiệm chi tiêu, buổi sáng chị Giang thường dậy sớm, nấu bữa sáng để cả nhà cùng ăn. Chị chuẩn bị luôn cơm hộp để mang đến cơ quan ăn trưa cùng các chị em. Chồng chị ngại "tay xách nách mang" nên vẫn phải ăn hàng quán.

Chị Giang còn lên kế hoạch "tự canh tác" để có rau sạch lại tiết kiệm chi phí. "Bác hàng xóm gieo mấy thùng rau trên gác mái, rất ít phải đi chợ. Hôm vừa rồi thu hoạch vụ rau cải, bác mang sang cho nhà mình một ít, ăn ngọt lắm. Mình đang tính cuối tuần đi mua thùng xốp về gieo thử mấy thùng rau xem thế nào", chị Giang hào hứng.

Thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày ngay từ việc dậy sớm ăn sáng cùng nhau hay mang cơm trưa tới văn phòng cũng là một cách sống chung với "bão giá".

Cắt giảm những khoản "râu ria"

Thời giá cả chưa leo thang, mấy chị em phòng làm việc của Ngân, nhân viên phòng vé máy bay ở quận Thanh Xuân thường mua hoa quả, đồ ăn vặt về văn phòng cùng ăn cho vui. Từ ngày giá cả leo thang, không ai bảo ai đồ ăn vặt tự nhiên bị cắt giảm.

"Giá cơm tăng thì đành phải cắt ăn vặt để bù vào khoản cơm trưa thôi. Thói quen uống trà sữa sau bữa cơm cũng phải hạn chế ", Ngân thở dài.

Anh Nguyễn Minh, làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu, lương gần 10 triệu đồng/tháng nhưng gần đây cũng phải cắt giảm nhiều nhu cầu cá nhân như cà phê, tiệc tùng với bạn bè vì giá cả leo thang.

 

"Tín đồ" mua sắm cũng phải chùn bước trước bão giá (Nguồn internet)


"Trước mấy ông bạn thường tụ tập cafe rồi mới vào làm, tan giờ thỉnh thoảng lại đi nhậu. Gần đây ai cũng "cáo bận" không tụ tập được, thích cafe tôi phải mang đến cơ quan nhờ chị cùng phòng pha hộ", anh Minh chia sẻ.

 Anh Minh cũng bày tỏ, với tình hình giá cả tiếp tục leo thang, nếu không được tăng lương, thì mức lương như hiện nay chỉ đủ ăn qua ngày chứ không có chuyện tích lũy. Các hoạt động vui chơi giải trí như đi du lịch, xem phim, ca nhạc vào cuối tuần cũng phải hạn chế.

Không chỉ cắt giảm chuyện ăn uống, việc mua sắm, làm đẹp của chị em phụ nữ cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. Nhiều chị em từ bỏ thói quen đến tiệm gội đầu để tự gội ở nhà, việc mua quần áo, thay đổi kiểu tóc cũng phải tính toán thật kỹ.

Bão giá lặp đi lặp lại không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của sinh viên và người lao động có thu nhập thấp, mà trở thành nỗi lo của tất cả mọi người. Với đồng lương "đứng im tại chỗ", dân công sở cũng phải chắt bóp chi tiêu để chống chọi với bão giá.

                                                                                                                       Theo Vietnamnet


Newer news items:
Older news items:

 

Tin tức xem nhiều

Thông tin cần biết



Hồ sơ

Ý kiến - Hỏi đáp


Video Clip

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

PLAYLIST 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7

Khách trực tuyến

Hiện có 3 khách Trực tuyến