Cảnh giác với gạo “lạ” PDF. In Email
Giới thiệu chung
Chủ nhật, 20 Tháng 2 2011 11:06
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM sẽ lấy mẫu gạo “lạ” mang xét nghiệm. Chuyên gia cảnh báo: Nếu nghi ngờ gạo được “sản xuất”, không phải được trồng thì tuyệt đối không sử dụng.

 Những ngày gần đây tại TP.HCM, nhiều người dân đã được mời chào mua gạo Thái Lan với giá 10.500 đồng/kg. Gạo có hình dạng thon dài, màu vàng ngà, không gãy, được giới thiệu là gạo Thái Lan. Sau khi nấu, hạt cơm chỉ to một chút so với hạt gạo trước đó, đàn hồi như cao su, không mùi thơm. Để qua ngày hôm sau cơm không thiu, không đổi màu.

Các chuyên gia: Chưa từng nghe về loại gạo này

PGS-TS Tạ Minh Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, cho biết qua nhiều năm nghiên cứu về lúa gạo, ông chưa từng nghe nói về loại gạo này. Gạo 6,8-7,2 mm là loại gạo khá dài, còn gạo trên 10 mm xuất hiện tại TP.HCM là loại gạo quá khổ. Ông nói: “Tôi chưa nghe loại gạo nào dài mà lại không gãy như thế, nhất là khi qua khâu xay xát. Gạo này cũng không có màu đục. Điều này là bất thường. Gạo trong mà không bạc bụng cũng có ở Thái Lan, dài khoảng trên 7 mm, nấu lên cũng ít gãy nhưng có mức giá vào khoảng 19.000-20.000 đồng/kg. Nếu loại gạo Thái Lan rao bán hạt dài, trong, chất lượng tốt thì làm gì có giá chỉ 10.500 đồng/kg. Chúng ta phải phân tích các tiêu chỉ lý hóa mới kết luận khoa học được”.

“Gạo lạ” nấu ra “cơm lạ”. Ảnh: TTO

PGS-TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp, cho biết: “Chúng tôi chưa hề tiếp xúc với loại gạo như trên. Cách đây không lâu, tôi cũng nghe tin ở Trung Quốc đã xuất hiện loại gạo làm từ khoai tây, khoai lang và nhựa. Sự xuất hiện của loại gạo “lạ” trên, chúng ta chưa nên gọi là “gạo giả”. Bởi như trứng gà, chúng ta gọi là “giả” nhưng Trung Quốc đã từng làm ra loại trứng gà chay dành cho người ăn chay. Họ có công nghệ và kỹ thuật làm loại trứng gà chay đảm bảo an toàn thực phẩm. Trứng gà chay làm ra có giá thành khá rẻ nên nhiều người buôn bán ở nước ta đã mua về và trộn vào trứng gà thường để đem ra tiêu thụ… và chúng ta gọi đó là “trứng gà giả”.

Không nên dùng gạo “lạ”

Theo PGS-TS Lê Huy Hàm: “Loại gạo xuất hiện ở TP.HCM có thể là một loại gạo chức năng nào đó và có giá rẻ hơn mà người ta tham lợi, đem đi tiêu thụ. Tôi cũng biết hiện có loại gạo khó tiêu dành cho những người bị bệnh tiểu đường. Ăn gạo này no bụng, khó tiêu và lượng đường trong máu không tăng. Do đó, chúng ta phải có kiểm nghiệm mới có kết luận chính xác về loại gạo “lạ” ở TP.HCM. Hiện tôi chưa nghe thông tin loại gạo này xuất hiện ở miền Bắc”. Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc cho biết chưa từng nghe tới loại gạo “lạ’ xuất hiện tại TP.HCM. Cục sẽ xác minh thông tin, sau đó mới có cơ sở để đánh giá chất lượng về loại gạo này.

BS Đào Thị Yến Phi, Chủ nhiệm bộ môn Dinh dưỡng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết mới đây cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện gạo của nước này được làm từ tinh bột trộn chung với chất kết dính (làm từ hợp chất sản xuất chất dẻo), một chất nguy hiểm. Dựa trên thành phần chất kết dính, các nhà khoa học cảnh báo gạo làm từ hóa chất có nguy cơ gây tổn thương thận, gan… Do đó, một khi nghi ngờ gạo được “sản xuất”, không phải được trồng thì tuyệt đối không nên sử dụng.

BS Yến Phi còn cho biết nếu trộn chung gạo “lạ” vào gạo thông thường với tỉ lệ nhỏ thì khó phát hiện bằng cảm quan khi đã nấu chín. Tuy nhiên, khi mua gạo vẫn có thể phát hiện gạo “lạ” bị trộn chung dựa vào yếu tố các hạt gạo không giống nhau về màu sắc, kích thước, độ trong, độ gãy… “Ngay khi gạo “lạ” được dùng với số lượng rất ít cũng có nguy cơ gây hại sức khỏe” - BS Yến Phi nhấn mạnh.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, cho biết sẽ tiến hành khảo sát việc kinh doanh gạo trên địa bàn TP.HCM. Chi cục cũng sẽ liên hệ lấy mẫu gạo “lạ” mang xét nghiệm.

                                                                                                      Theo Pháp Luật TP.HCM


Newer news items:
Older news items:

 

Tin tức xem nhiều

Thông tin cần biết



Hồ sơ

Ý kiến - Hỏi đáp


Video Clip

You need Flash player 6+ and JavaScript enabled to view this video.

PLAYLIST 0 | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7

Khách trực tuyến

Hiện có 3 khách Trực tuyến